
Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 13, ngày 19-11, đã bế mạc và ra Tuyên bố Busan. Tuyên bố Busan tập trung vào 3 chủ đề chính: kinh tế và thương mại, an ninh và y tế, tương lai của APEC. Về vấn đề kinh tế và thương mại, tuyên bố chung của APEC ủng hộ các biện pháp giải quyết bế tắc của vòng đàm phán Doha về tự do thương mại toàn cầu trong cuộc họp của các thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào tháng 12 tại Hồng Công.

Các nhà lãnh đạo APEC trong trang phục truyền thống Hàn Quốc chụp hình lưu niệm tại phiên bế mạc hội nghị cấp cao APEC.
Tuyên bố kêu gọi các bên nên linh động, đặc biệt trong vấn đề trợ cấp nông nghiệp để vòng đàm phán Doha thành công. Ngoài ra, tuyên bố Busan còn khẳng định APEC sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu tự do mậu dịch trong khối đối với các thành viên phát triển vào năm 2010 và các thành viên đang phát triển vào năm 2020. Về vấn đề an ninh, tuyên bố Busan cam kết loại trừ các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt và giải giáp các nhóm khủng bố.
Nguy cơ đại dịch cúm gia cầm cũng là vấn đề được thảo luận nhiều nhất trong lĩnh vực y tế. Tuyên bố chung Busan nêu rõ APEC đẩy mạnh hợp tác và trợ giúp nhau về kỹ thuật nhằm hạn chế sự lây lan của dịch cúm gia cầm và ngăn chặn sự lây lan cúm gia cầm từ người sang người. APEC cam kết chuẩn bị tốt nhất để đương đầu với đại dịch cúm gia cầm một khi xảy ra.
Trước đó, các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) nhất trí cần thu hẹp khoảng cách giữa các nước phát triển và đang phát triển thông qua việc tăng cường hợp tác trong khu vực. Sáng kiến này được Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo Hyun nêu ra nhằm nhấn mạnh quá trình tự do hóa thương mại cần mang lại lợi ích rộng rãi cho cả khu vực, bao gồm những nước có trình độ phát triển khác nhau.
Trong cuộc họp báo tối 18-11, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Ban Ki Mun cho biết, trước mắt APEC sẽ tìm kiếm biện pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế và kỹ thuật nhằm thu hẹp khoảng cách xã hội giữa các nền kinh tế trong khu vực. Dự kiến, vấn đề này sẽ được đề cập tại cuộc gặp quan chức cấp cao năm 2006 diễn ra tại Việt Nam.
Chủ tịch nước Trần Đức Lương hội kiến Tổng thống Nga V.Putin và Tổng thống Chile Ricardo Lagos Đáp lại, Tổng thống Nga V.Putin khẳng định Nga luôn coi củng cố quan hệ hợp tác với Việt Nam là hướng ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga. Đánh giá quan hệ hợp tác song phương phát triển tốt đẹp trong thời gian vừa qua, Tổng thống Putin cho rằng hai bên cần nỗ lực hơn nữa để khai thác hết tiềm năng về thương mại giữa hai nước, đặc biệt trong các lĩnh vực dầu khí và năng lượng. Tổng thống Lagos đánh giá cao chủ đề mà Việt Nam đưa ra tại Hội nghị APEC-2006 là “Hướng tới một cộng đồng năng động vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng” và cho biết Chile có thể đóng góp vào chủ đề phát triển bền vững. Về quan hệ song phương, Tổng thống cho rằng việc Việt Nam tổ chức Hội nghị các quan chức cao cấp của APEC sẽ là cơ hội để tìm ra các biện pháp phát triển quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước. |
V.M (Theo TTXVN, AFP)