Trước đó, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết hội nghị được tổ chức nhằm mục tiêu huy động sáng kiến của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trong việc xây dựng các nhóm giải pháp chiến lược về chuyển đổi có quy mô lớn để phát triển bền vững ĐBSCL với tầm nhìn đến năm 2100.
Ông Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh, hội nghị dành ngày đầu cho các phiên thảo luận chuyên đề nhằm định hình chiến lược phát triển, nhu cầu và giải pháp về nguồn lực và ngày tiếp theo dành cho phiên họp toàn thể do Thủ tướng Chính phủ chủ trì nhằm thảo luận và đưa ra các quyết định của Thủ tướng Chính phủ để các bộ, ngành và địa phương thực hiện.
Thủ tướng Chính phủ sẽ lắng nghe các báo cáo chuyên đề và ý kiến thảo luận rộng rãi của các chuyên gia, nhà khoa học, đối tác quốc tế, doanh nghiệp... Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ sẽ đưa ra những kết luận về định hình chuyển đổi lớn cho mục tiêu phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu và xem xét ban hành nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.
Vựa lúa ĐBSCL chịu thiệt hại do thiếu phù sa và hạn mặn
Thực tế thời gian qua cho thấy, vùng ĐBSCL đang và sẽ chịu tổn hại rất lớn của biến đổi khí hậu và các hoạt động của khu vực thượng nguồn. Các chuyên gia môi trường cũng đánh giá những ưu thế về tự nhiên cho phát triển và đảm bảo sinh kế của người dân trước đây và hiện nay của vùng ĐBSCL sẽ thay đổi trong thời gian tới; trong đó sẽ làm thay đổi căn bản mô hình sản xuất, tập quán sinh hoạt của người dân trong vùng.
Với ý nghĩa và tầm quan trọng của hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà mong muốn tiếp tục nhận được ý kiến, sáng kiến đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu khoa học, các nhà khoa học, nhà quản lý đối với phát triển vùng ĐBSCL. Từ đó, tạo ra những đột phá trong tư duy, thống nhất hành động của toàn xã hội nhằm định hình mô hình phát triển bền vững của ĐBSCL trong sự liên kết, gắn kết hữu cơ giữa tự nhiên và con người, giữa các địa phương trong và ngoài vùng, tiểu vùng sông Mê Công.