ĐBSCL: Điểm đến đầy triển vọng

Theo kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2019, công tác cải thiện môi trường kinh doanh của vùng ĐBSCL đã có nhiều nỗ lực đáng kể qua các năm. Trong đó, Đồng Tháp, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long và Cần Thơ là 5 tỉnh, thành được ghi nhận trong nhóm điều hành kinh tế rất tốt và tốt của cả nước. Kết quả nổi bật đó có được nhờ sự thay đổi rất lớn trong công tác điều hành của lãnh đạo từng địa phương, từ tư duy xin - cho, sang tư duy phục vụ.
Mô hình Cà phê doanh nghiệp của Đồng Tháp là nơi doanh nghiệp và lãnh đạo tỉnh đối thoại, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn một cách nhanh nhất. Ảnh: TÍN HUY
Mô hình Cà phê doanh nghiệp của Đồng Tháp là nơi doanh nghiệp và lãnh đạo tỉnh đối thoại, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn một cách nhanh nhất. Ảnh: TÍN HUY

Khó thì gọi lãnh đạo

Theo ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, để cải thiện được chỉ số PCI 2019, lãnh đạo tỉnh đã quán triệt đến các cấp, các ngành xác định cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp (DN) từ tư duy xin - cho, sang tư duy phục vụ. Từ thực tế đó, các DN có vướng mắc hay gặp bất cứ khó khăn thì chỉ cần điện thoại cho lãnh đạo tỉnh hoặc sở ngành phụ trách để kịp thời gỡ rối một cách nhanh nhất. Lãnh đạo tỉnh sẽ kiểm tra lại việc phục vụ đó có đáp ứng yêu cầu không, nên một năm có 4 lần đối thoại với nhà đầu tư. Ngoài ra còn có những thời điểm đột xuất để giải quyết ngay những vấn đề phát sinh, đáp ứng được nhu cầu bức thiết cho DN.

Còn tại tỉnh Đồng Tháp, phương châm “chính quyền đồng hành cùng nhân dân” áp dụng nhiều giải pháp nhằm để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thiết lập nhiều kênh giao tiếp với DN qua điện thoại, email, mạng xã hội, đặc biệt là mô hình “cà phê doanh nghiệp”. Theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan, với mô hình trên, các DN có thể đối thoại, tháo gỡ những vướng mắc khó khăn trực tiếp với lãnh đạo tỉnh. Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: “Đây là nơi để chia sẻ, tương tác, DN không khó khăn cũng có thể đến để chia sẻ ý tưởng, tham mưu cho chính quyền”. 

Thông qua mô hình này, đại diện chi nhánh của một hãng taxi đang hoạt động trên địa bàn phản ánh gặp khó khăn trong việc xin cấp lại phù hiệu để đầu tư phương tiện mới. Qua kiểm tra, rà soát, nhận thấy khó khăn của DN cần được giải quyết, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương đã chỉ đạo ngành chuyên môn cấp phù hiệu cho công ty. Với những cách làm đó, Đồng Tháp tiếp tục duy trì vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng, với kết quả chỉ số cải cách hành chính đạt 84,43%, tăng 0,72%. Riêng chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) đạt 8,76 điểm.

Tiếp tục duy trì

Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI Việt Nam, cho biết: Trong 5 năm vừa qua, ĐBSCL đều đứng đầu về điểm số PCI trong 6 vùng kinh tế trên cả nước và đứng đầu rất nhiều chỉ số so với các vùng miền khác.

Theo đó, điểm số PCI trung vị của vùng vẫn duy trì được xu hướng tăng bền vững qua các năm, điểm PCI trung vị tăng 10%, tương đương với 5,95 điểm; từ 59 điểm năm 2015 lên 64,99 điểm năm 2019. Điểm chỉ số thành phần của các tỉnh trong vùng cũng có sự cải thiện, đồng đều hơn, cho thấy đã có sự tiến bộ ở tất cả các mảng, có 5/13 tỉnh thành trong vùng thường xuyên nằm trong tốp 20 địa phương đứng đầu bảng xếp hạng PCI cả nước, cho thấy ĐBSCL được đánh giá có năng lực điều hành ổn định, bền vững… 

Vĩnh Long có sự thăng hạng vượt bậc và nằm trong nhóm 5 tỉnh thành dẫn đầu, đạt tổng điểm trên 70 và có 9/10 chỉ số tăng điểm so với năm 2018, trong đó những chỉ số thành phần rất cao như: tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, chi phí thời gian… So với PCI 2018, Vĩnh Long (đứng thứ 8, với 65,53 điểm) thì năm 2019 tỉnh này đã có sự bứt phá cả về thứ hạng lẫn điểm số.

Ông Lữ Quang Ngời cho biết: Kết quả đạt được năm 2019 sẽ là cơ hội, động lực không chỉ cho Vĩnh Long mà các tỉnh ĐBSCL khác tiếp tục có những nỗ lực, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa chỉ số PCI, tạo môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng ổn định, hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội cùa vùng.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ, để duy trì, cải thiện, nâng cao chất lượng tiêu chí thành phần, hay nói khác hơn là giữ vững chỉ số PCI về chất lượng thì vấn đề con người là quan trọng nhất, cùng với đó là đội ngũ quản lý, lãnh đạo. Do đó, phải nâng cao tính phục vụ của các sở, ngành chuyên môn trong việc hỗ trợ DN trong kinh doanh. Việc cải thiện chỉ số PCI và đối với chỉ số còn thấp, chất lượng còn kém, thì có kế hoạch xây dựng cải thiện. Tuy nhiên, lãnh đạo chủ chốt phải kiểm tra công tác thực hiện của các sở ngành được phân công.

Tin cùng chuyên mục