Ngày 19-7, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, cho biết, địa phương đang khẩn trương khắc phục sự cố sạt lở mới nhất ở sông Cái Côn dài 35m, sâu vào bờ nơi rộng nhất 15m, diện tích mất đất 525m2, làm sụp 4 căn nhà xuống sông. Huyện Châu Thành nằm cặp sông Hậu đang là điểm nóng của các vụ sạt lở trên chiều dài 425m, làm mất đất 2.654m2.
Hiện đang vào cao điểm mùa mưa, các vụ sạt lở trên sông Tiền, sông Hậu và đê biển ở các tỉnh ĐBSCL liên tục xảy ra. Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, đến nay, khu vực ĐBSCL ghi nhận ít nhất 751 khu vực sạt lở với tổng chiều dài lên đến 976km. Hiện có khoảng 20.000 hộ dân ở các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Cà Mau, TP Cần Thơ… sống ven các tuyến sông có nguy cơ sạt lở cao, cần khẩn trương di dời.
Cùng ngày, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận cho biết, trong những ngày qua, khu vực ven biển của tỉnh chịu ảnh hưởng của trường gió Tây Nam có cường độ mạnh đã khiến sóng biển dâng cao, gây sạt lở nghiêm trọng nhiều khu vực bờ biển của địa phương.
Do ảnh hưởng của gió mạnh, gây sóng to, kết hợp triều cường khiến hơn 500m khu vực bờ biển thuộc khu phố C, phường Thanh Hải (TP Phan Thiết) bị sạt lở nghiêm trọng. Hiện tại, đã có 1 căn nhà bị sập hoàn toàn, nhiều căn nhà khác bị ảnh hưởng, thiệt hại ước tính hàng trăm triệu đồng. Cũng tại TP Phan Thiết, triều cường dâng cao đã gây sạt lở bờ biển kéo dài từ 100-300m tại các khu phố 10, 11, 12 thuộc phường Mũi Né. Thống kê sơ bộ, khoảng 30 hộ dân sống tại các khu vực sạt lở trên đang bị ảnh hưởng, nước biển đã tràn gần tới nhà.
Còn tại huyện Tuy Phong, sóng lớn đã làm sạt lở 400m bờ biển Tân Phú (thuộc thị trấn Phan Rí Cửa) làm hàng chục căn nhà của các hộ dân tại khu vực này có nguy cơ bị sóng biển đánh trôi. Hiện các lực lượng chức năng và người dân địa phương đã dùng hàng ngàn bao cát, cọc gỗ, dây thừng… để dựng kè tạm chắn sóng, hạn chế nguy cơ biển xâm thực.