Báo cáo công bố ngày 25-3 của Cơ quan Điều phối viện trợ Afghanistan (ACBAR) cho biết triển vọng về hòa bình, ổn định ở Afghanistan có thể còn lâu mới thành hiện thực, khi mà số tiền tài trợ các nước phương Tây hứa để tái thiết còn thiếu tới 10 tỷ USD.
Sau khi Mỹ và liên quân tấn công Afghanistan năm 2001, cộng đồng quốc tế đã hứa trợ giúp khoảng 25 tỷ USD từ lúc đó đến năm 2008 để tái thiết đất nước. 6 năm sau, chỉ có 15 tỷ USD đến như hứa hẹn nhưng hơn 40% số tiền đó lại chảy vào túi các nhà tài trợ dưới dạng lợi nhuận doanh nghiệp và trả lương cho cố vấn.
Cũng chính vì lợi nhuận và việc trả lương kiểu này mà các hóa đơn viện trợ ở Afghanistan đội giá lên nhiều lần. Ví dụ như một con đường ở trung tâm Kabul tới sân bay quốc tế trong cùng thành phố có chi phí xây dựng hết hơn 2,3 triệu USD/km, cao gấp 4 lần số tiền trung bình xây một con đường ở Afghanistan.
Lương hàng năm các công ty trả cho một cố vấn nước ngoài làm việc ở Afghanistan khoảng 250.000 USD, cao hơn 200 lần so với mức lương của một viên chức Afghanistan (khoảng 1.000 USD/năm). Người dân thì phải sống trong điều kiện tồi tệ, không điện, thiếu lương thực, thuốc men, 70% dân chúng không có nước sạch sử dụng.
Ngày càng có nhiều người đặt câu hỏi về tính hiệu quả của chiến dịch chống khủng bố đang tiến hành ở Afghansitan. Mặc dù đã tăng cường quân số và có sự tham gia của 39 nước, 43.000 binh sĩ trong Lực lượng Gìn giữ hòa bình quốc tế (ISAF) nhưng liên quân vẫn không kiểm soát nổi tình trạng nổi dậy của các tay súng ở Afghanistan.
Quân Taliban hoạt động có tổ chức hơn, tuyên truyền mạnh hơn với sự trợ giúp của thành phần khủng bố nước ngoài. Đánh bom, bắt cóc con tin xảy ra thường xuyên sau một thời gian yên ắng.
Nước Mỹ đã không ngừng yêu cầu châu Âu tăng quân sang Afghanistan, nhất là ở thành lũy của Taliban tại phía Nam nước này. Dự kiến tại hội nghị thượng đỉnh NATO từ ngày 2 đến 4-4 tới đây ở Bucarest, Rumani, Pháp sẽ công bố quyết định gửi bổ sung 1.000 binh sĩ sang nước này.
Tuy nhiên, tờ FT ngày 26-3 dẫn lời các quan chức Pháp tiết lộ rằng Tổng thống Sarkozy đang gây sức ép đối với thỏa thuận của NATO về một chiến lược chính trị rộng lớn hơn ở Afghanistan, trước khi thông qua quyết định gửi thêm quân.
Ông Sarkozy muốn các nước đồng minh khác ký vào một chiến lược chính trị và ngoại giao cụ thể hơn, theo đó đảm bảo thực hiện việc chuyển giao an ninh cuối cùng cho chính quyền Afghanistan, tập trung mạnh hơn vào tái thiết dân sự và can dự với các nước láng giềng của Afghanistan, đặc biệt là Pakistan. Pháp và nhiều chuyên gia quân sự cũng cho rằng toàn bộ chiến dịch đang tiến hành ở Afghanistan cần phải xem xét lại vì có quá nhiều hạn chế.
Sau 3 thập kỷ chiến tranh, Afghanistan là một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới, cơ sở hạ tầng thiếu nghiêm trọng và luôn phải đối mặt với thiên tai khắc nghiệt. Giới phân tích nhận định để Afghanistan không bị bỏ quên, không nên chỉ tập trung vào lượng quân, số tiền mà cộng đồng quốc tế cần xác định rõ “Đâu là các mục tiêu của quốc tế ở Afghanistan? Ai đề ra các mục tiêu ấy? Khi nào sẽ đạt được mục đích?”.
(Theo AFP, PC)
LÊ VÂN