“Để Bác mãi sống bên con” - một bộ phim hay

“Để Bác mãi sống bên con” - một bộ phim hay

Ấp Ninh Thới, xã Thới An Hội, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng nằm ở nơi nào trên tấm bản đồ bịt bùng kênh rạch của miền Tây Nam bộ? Anh nông dân Nguyễn Văn Nhung là ai, căn nhà lợp lá của anh nằm ở đâu giữa hàng ngàn ngôi nhà của bà con nông dân nghèo ở đây? Quả là cách nay chỉ vài năm bạn khó mà tìm ngay được lời đáp cho những câu hỏi này. Bây giờ thì khác rồi. Đã có một con đường xe chạy được về Thới An Hội. Và chỉ cần nhắc tới tên Nguyễn Văn Nhung, bạn sẽ được cô bác mau mắn chỉ đường: “Tìm tới thăm Phòng lưu trữ ảnh Bác của anh Nhung hả? Để tôi bày cho ...” .

“Để Bác mãi sống bên con” - một bộ phim hay ảnh 1

Anh Nguyễn Văn Nhung bên những tấm ảnh Bác Hồ anh đã thu thập được.

Ngay phần mở đầu của bộ phim tài liệu gọn gàng, xinh xắn “Để Bác mãi sống bên con”, nữ đạo diễn Vương Thị Tuyết Mai, hiện công tác tại Đài Phát thanh - Truyền hình Sóc Trăng - đã giúp bạn hiểu ra nguyên cớ nào khiến anh Nguyễn Văn Nhung bắt tay vào công việc gom giữ những tấm hình Bác Hồ cách nay trên 20 năm?

Đó là câu chuyện anh Nhung được nghe bà má ruột kể nhiều lần về công lao của Bác Hồ đối với nền độc lập của đất nước; đặc biệt là về những phẩm cách đạo đức giản dị, khiêm tốn, hết lòng thương dân, vì dân của Bác.

Tình cờ, một lần đọc xong một bài báo hay viết về Bác, anh Nhung cứ tần ngần mãi bên tấm hình của Bác in trên trang báo. Rồi anh quyết định cắt tấm ảnh từ báo ra, cất vào trong tập vở. Sau việc làm ấy anh Nhung bỗng nảy ra ý muốn thu thập các tấm ảnh Bác trên sách, báo.

Anh Nhung nhà nghèo, sự học hành không được bao nhiêu, lại ít có điều kiện đi đâu xa. Hàng ngày ngoài việc đồng áng, anh còn phải giúp thêm việc bưng bê ly cà phê, tô hủ tiếu trong quán của vợ anh. Bà con cô bác qua lại quán thấy anh Nhung gom cất ảnh Bác như vậy rất cảm động nên đọc xong tờ báo nào, thấy cuốn sách nào họ đều mang tới cho anh. Số ảnh Bác cứ thế tăng lên dần thành những tập, những cuộn. Nhà chật, sợ mưa gió, ẩm mốc làm hỏng những tấm ảnh đã sưu tập được, anh Nhung kê kích các hòm đựng ảnh Bác lên cao, hoặc tìm mảnh ván, thanh tre làm giá gác qua kèo nhà để cất giữ ảnh Bác.

5 năm rồi 10, 15 năm trôi qua, số người lui tới căn nhà của vợ chồng anh Nhung ngày càng đông hơn. Đến để góp ảnh Bác cho anh Nhung. Đến để ngắm nhìn các tấm ảnh Bác trong “bộ sưu tập” của anh. Có cháu nhỏ thích học vẽ, nhờ cha đưa tới nhà anh Nhung để mượn những tấm ảnh Bác em yêu thích mà phóng vẽ lại. Đến để hỏi han anh Nhung về những gì liên quan đến cuộc đời hoạt động của Bác trong từng tấm ảnh.

Nhằm đáp ứng yêu cầu của bà con trong vùng, anh Nhung tìm đọc những cuốn sách viết về tiểu sử và hoạt động cách mạng của Bác. Anh chăm chỉ, cần mẫn đọc và ghi chép buổi trưa, lúc đêm khuya. Rồi anh Nhung bắt tay vào công việc phân loại các tấm ảnh Bác theo từng năm tháng, từng giai đoạn hoạt động của Bác Hồ. Năm tháng qua đi, anh Nhung không chỉ là người sở hữu hàng ngàn bức ảnh bác Hồ, anh còn là người biết nhiều chuyện nhất, kể chuyện hay nhất về Bác ở quê hương anh.

Cách đây ít lâu, chính quyền huyện Kế Sách đã góp tiền của, công sức để sửa chữa, nới rộng thêm mấy gian nhà của vợ chồng anh Nhung, biến nơi này thành “nhà bảo tàng của lòng dân đối với Bác”.

Nữ đạo diễn Vương Thị Tuyết Mai chọn cách kể chuyện bằng hình ảnh hết sức mạch lạc, giản dị, không tô vẽ mà cũng không cao giọng giáo huấn. Bởi như chị tâm sự, ngay từ khi bắt tay vào làm phim, chị hiểu sâu sắc rằng việc làm của anh Nhung xuất phát từ tấm lòng mộc mạc, chân thành của một người nông dân bình thường, sống ở một vùng quê heo hút, xa xôi. Chỉ chuyển tải được sự dung dị, bình thường ấy trong việc làm của anh Nhung tới người xem thì mới làm toát lên được đầy đủ sự thành kính, tình yêu thương thẳm sâu của người nông dân Nam bộ đối với Bác. Và nữ đạo diễn đã thành công.

Thật cảm động khi kết thúc phim chúng ta được biết anh Nguyễn Văn Nhung chỉ có một nguyện vọng ấp ủ bấy lâu nay: Anh mong sao có ngày được ra Hà Nội, được vào Lăng viếng Bác Hồ.

Tô Văn Giang

Tin cùng chuyên mục