Để các cuộc thi hoa hậu đạt hiệu quả xã hội

Mỗi năm ở nước ta diễn ra rất nhiều cuộc thi hoa hậu. Có thể kể đến các cuộc thi quy mô lớn, được dư luận quan tâm như: hoa hậu Việt Nam, hoa hậu các dân tộc Việt Nam, hoa hậu biển Việt Nam, hoa hậu thể thao, hoa hậu du lịch, hoa hậu qua ảnh, hoa hậu Tây đô, hoa hậu thế giới người Việt, hoa hậu trái đất, hoa hậu hoàn vũ, và sang năm 2009 có thể diễn ra cuộc thi hoa hậu quý bà đẹp và thành đạt thế giới…
 
Hầu hết các cuộc thi hoa hậu đều có nhà tài trợ ủng hộ chi phí tổ chức, giải thưởng, đi du lịch hoặc học tập ở nước ngoài. Các hoạt động này đôi khi khá dồn dập, hoặc gần sát nhau như hoa hậu hoàn vũ thế giới trong tháng 7 tới tại Nha Trang thì hoa hậu Việt Nam vào tháng 8-2008 tại Hội An.

Trong hai năm qua, tình trạng "lạm phát" các cuộc thi hoa hậu đã xảy ra. Một số cuộc thi thiếu nguồn tài trợ sinh ra hời hợt, đại khái, cắt xén tiền giải thưởng; tổ chức không chuyên nghiệp dẫn đến cách làm luộm thuộm, lãng phí, có dấu hiệu không công bằng; hoặc lúng túng, bị động, gấp gáp trong việc chọn thí sinh đi dự thi hoa hậu khu vực và thế giới.

Lâu nay, các nhà tài trợ thường đặt những điều kiện có lợi nhất để quảng bá cho thương hiệu hoặc sản phẩm của mình như: trực tiếp truyền hình vào giờ vàng trên các kênh có đông khán giả của VTV hoặc HTV, vị trí đặt lôgô tài trợ nổi bật và trang trọng, treo càng nhiều băng rôn cổ động trên các ngã tư đường phố trung tâm càng tốt, có nhiều tờ báo đăng tải thông tin về sự kiện tài trợ…

Tất cả những điều ấy gây không ít phản cảm trong dư luận xã hội. Vấn đề cốt lõi thông qua hoạt động này là việc quảng bá hình ảnh quê hương đất nước và con người Việt Nam lại ít được thực hiện, hoặc thực hiện kém hiệu quả. Để khắc phục, các cuộc thi phải có tiêu chí rõ ràng với những quy định hợp lý về nội dung, hình thức, trách nhiệm của nhà tổ chức và quyền lợi cũng như nghĩa vụ của nhà tài trợ.
 
Trước mắt, chúng ta cần định hướng rõ cách tổ chức, quảng bá các cuộc thi hoa hậu sao cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và cả nước, phù hợp với đời sống và tâm lý người dân. Có thể nói đây cũng là một trong những hoạt động văn hóa nhạy cảm. Khi được tổ chức hợp lý, phân bố theo vùng miền và thời gian thích hợp sẽ tạo được sự đồng thuận cao trong dư luận, tô điểm cuộc sống và góp phần khích lệ hoạt động du lịch, giao lưu văn hóa phát triển tốt. Về lâu dài, có thể nghiên cứu thành lập một số trung tâm đào tạo, bồi dưỡng những thí sinh về cả đức lẫn tài để chuẩn bị cho các cuộc thi hoa hậu, người mẫu mang tầm khu vực và thế giới. Cũng như trong bóng đá, có thể mời các chuyên gia nước ngoài tham gia đào tạo, rèn luyện để các thí sinh Việt Nam không bị ngỡ ngàng trước những thách thức của các cuộc thi sắc đẹp trên thế giới.
 
Vấn đề hiện nay là cần có sự chỉ đạo, quản lý thống nhất về các cuộc thi sắc đẹp nói chung, trong đó có thi hoa hậu, người mẫu vốn đang diễn biến khá phức tạp. Nhấn mạnh chức năng quản lý của các cơ quan hữu trách không nhằm hạn chế cứng nhắc mà chính là tạo điều kiện để tổ chức một cách nền nếp, hướng tới mục tiêu "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" 

 XUÂN THÁI

Tin cùng chuyên mục