Từ khi có chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa và Luật Doanh nghiệp được cho phép các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường tổ chức biểu diễn nghệ thuật thì những mặt hạn chế của một số đơn vị công lập càng bộc lộ rõ nét.
Hiện nay TPHCM có 8 đơn vị nghệ thuật công lập: Nhà hát (NH) Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, NH Giao hưởng - nhạc vũ kịch, NH Cải lương Trần Hữu Trang, NH Nghệ thuật hát bội, NH Kịch, Trung tâm Ca nhạc nhẹ, đoàn xiếc, đoàn rối. So với các tỉnh, thành trong cả nước thì TPHCM có số lượng đơn vị nghệ thuật công lập với nhiều loại hình nghệ thuật đa dạng nhất.
Năm 2007, nhà nước đầu tư cho các đơn vị nghệ thuật công lập 22,8 tỷ đồng, nhưng rõ ràng từ lâu hoạt động của một số đơn vị này vẫn trong tình trạng cầm chừng, thiếu năng động, kém khởi sắc! Trong khi ấy cũng với loại hình nghệ thuật đó nhưng nhiều đơn vị xã hội hóa, nhiều tư nhân lại gặt hái được thành quả, thu hút đông đảo công chúng, mặc dù họ phải thuê mướn địa điểm biểu diễn, tự bỏ tiền đầu tư, hợp đồng với diễn viên, nghệ sĩ. Thực tế đó đòi hỏi phải tiến hành ngay các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị nghệ thuật công lập.
Trước yêu cầu bảo vệ và phát triển văn hóa dân tộc, nhà nước vẫn cần phải đầu tư 100% kinh phí như mức năm 2007 hoặc nhiều hơn cho những đơn vị nghệ thuật mũi nhọn để phục vụ nhiệm vụ chính trị - văn hóa - xã hội, gồm 4 nhà hát: giao hưởng - nhạc vũ kịch (3,8 tỷ đồng/năm), ca múa nhạc dân tộc Bông Sen (3,5 tỷ đồng/năm), cải lương Trần Hữu Trang (3,6 tỷ đồng/năm), nghệ thuật hát bội (2,6 tỷ đồng/năm).
Đồng thời nhanh chóng xã hội hóa theo lộ trình thích hợp đối với 4 đơn vị: Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP, đoàn xiếc, Nhà hát kịch TP, đoàn rối. Đó là những loại hình nghệ thuật mà tư nhân có thể hợp tác đầu tư ngay, mang lại hiệu quả tức thì vì dễ thu hút công chúng nếu hoạt động theo cung cách của thị trường.
Thời gian qua, các nguồn lực xã hội chủ yếu đầu tư, tài trợ khá lớn vào từng chương trình nghệ thuật do những công ty TNHH tổ chức. Như vậy, các đơn vị nghệ thuật công lập có thể xã hội hóa từng chương trình hoặc từng kịch mục để nhà nước có thể giảm dần mức đầu tư kinh phí. Song song đó tăng thêm chi phí đào tạo diễn viên, xây dựng các chương trình trọng điểm chất lượng cao và hấp dẫn cho những đơn vị nghệ thuật mũi nhọn để nâng cao hiệu quả.
Việc đầu tư cho các đơn vị nghệ thuật công lập không chỉ dừng lại ở vấn đề kinh phí, điều quan trọng hơn cả là xây dựng được đội ngũ nghệ sĩ tài năng, tâm huyết với văn hóa dân tộc. Chính đội ngũ này mới mang lại hiệu quả hoạt động cho các đơn vị nghệ thuật công lập.
Xuân Thái