Đột phá đào tạo tiến sĩ

Để nâng chất đại học

Để nâng chất đại học

“Hãy trao quyền tự chủ mạnh mẽ cho các trường. Đổi mới cơ chế tài chính và vấn đề học phí. Cần kiểm tra, đánh giá toàn diện thực trạng đào tạo sau ĐH…” và nhiều vấn đề khác của giáo dục ĐH, CĐ được gần 100 hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ khu vực phía Nam đồng loạt kiến nghị với lãnh đạo Bộ GD-ĐT trong buổi làm việc ngày 28-8.

  • Nâng chất tiến sĩ – phải là khâu đột phá

Để nâng chất đại học ảnh 1

Sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM trong phòng thí nghiệm hóa sinh. Ảnh: MAI HẢI

Vì sao Bộ GD-ĐT lấy việc “nâng cao chất lượng tiến sĩ (TS) là khâu đột phá trong việc nâng cao chất lượng giáo dục ĐH”? Lý giải điều này, TS Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ đào tạo ĐH và sau ĐH cho rằng: “Chất lượng đào tạo TS được nâng cao và bảo đảm sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan bao gồm xã hội, cơ sở đào tạo, người dạy, người học, sự hưng thịnh của đất nước…”.

Theo bà “chính sự ảnh hưởng của chiếc “máy cái” giáo dục trong hoạt động nghiên cứu, hoạch định chính sách cho mọi ngành cao như vậy nên những yêu cầu, hy vọng của xã hội, của toàn dân đặt lên vai đội ngũ này rất lớn…”.

Từ câu hỏi của bà Hà, buổi làm việc của các hiệu trưởng ĐH, CĐ với lãnh đạo Bộ GD-ĐT trở nên kém sôi nổi khi mọi ý kiến đều nhìn nhận: gần 30 năm qua, việc đào tạo trình độ TS ở Việt Nam “đầy rẫy những yếu kém, thừa mứa những bất cập”.

Bắt đầu từ những bất cập về năng lực của cơ sở đào tạo, TS Trần Thị Hà thẳng thắn: “Chúng ta thiếu hẳn đội ngũ cán bộ khoa học đầu đàn có năng lực, uy tín chuyên môn cao, có học hàm GS, PGS, học vị TS hay TS khoa học”.

Nhiều hiệu trưởng cũng đồng tình và cho rằng: nhiều chuyên ngành đào tạo không có lấy một GS - kể cả cơ hữu lẫn thỉnh giảng; đội ngũ cán bộ khoa học cơ hữu thì có học vị TS, nhưng cộng tất cả các chuyên ngành có liên quan cũng không đủ số lượng để có thể tổ chức đánh giá luận án TS tại cơ sở.

“Nói đâu xa, số lượng đề tài khoa học nhận được từ các chương trình nghiên cứu cấp nhà nước, giải quyết những vấn đề khoa học tầm cỡ quốc gia, là cơ sở để hình thành các đề tài luận án TS cũng rất ít hoặc không có”, bà Hà cho biết.

Vậy làm sao để nâng cao chất lượng TS và làm thế nào để những bất cập mấy mươi năm qua không còn lặp lại? Nhiều ý kiến, từ việc đổi mới phương thức tuyển sinh, nâng cao yêu cầu đối với người dự tuyển đến việc thay thi tuyển bằng xét tuyển, hoặc kiện toàn bộ máy quản lý đào tạo nghiên cứu sinh… đều được đưa ra bàn cãi.

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo: “Sắp tới sẽ làm mạnh trong khâu đào tạo sau ĐH, chấn chỉnh đào tạo TS với phương châm: TS có chất lượng; đào tạo TS đúng quy trình, có kinh phí; rà soát, thẩm định và kiên quyết cắt bỏ những đơn vị không đủ chức năng, điều kiện đào tạo TS…”.

  • Đổi mới chương trình đào tạo: vòng luẩn quẩn!

Để nâng chất đại học ảnh 2
Sinh viên ĐH bán công Tôn Đức Thắng thực hành thí nghiệm hóa hữu cơ. Ảnh: MAI HẢI

Đáp lời “kêu gọi” của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long: “Chúng ta hãy nói thẳng, nói hết những bất cập trong chương trình đào tạo để việc đổi mới chất lượng giáo dục hiệu quả hơn”, hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ từ miền Đông đến miền Tây, từ công lập đến ngoài công lập đều lên tiếng đề xuất những “điều cần làm ngay” nhưng lâu nay… chưa ai làm.

Đó là: “Hãy huy động doanh nghiệp và bên sử dụng lao động tham gia xây dựng, đánh giá chương trình đào tạo”; “nhanh chóng triển khai kiểm định chất lượng giáo dục ĐH…”.

Tuy nhiên, khi đi vào cụ thể lại nảy sinh nhiều vấn đề “khó giải quyết”. Chẳng hạn: nếu doanh nghiệp tham gia vào xây dựng chương trình đào tạo, thì điều đầu tiên mà bên sử dụng nhân lực đòi hỏi là thời lượng các môn đào tạo chuyên ngành phải nhiều hơn nữa. “Mà nhiều hơn nữa thì làm sao được khi mà chương trình đào tạo ĐH của Việt Nam - với 240 đơn vị học trình - đã gấp đôi chương trình nước ngoài?”, GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang nêu vấn đề.

Theo ông, cần phải nhìn thẳng vào thực tế hiện nay để có cách điều chỉnh: người sử dụng lao động cần sinh viên ra trường làm được việc và có nhân cách. Vấn đề này được một số đại biểu thảo luận, nêu ý kiến về thời gian hợp lý cho các môn học chính trị. 

LINH AN

Tin cùng chuyên mục