Đề nghị chưa thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị chưa thông qua dự thảo Luật Đất đai sửa đổi tại kỳ họp thứ 6. Tại phiên họp này, với những nội dung còn 2 phương án, UBTVQH sẽ bàn, rút lại còn 1 phương án để trình Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận một số nội dung lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và phương án thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận một số nội dung lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và phương án thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tại phiên họp sáng 16-11, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, qua thảo luận tại kỳ họp thứ 6, ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐB) về nhiều nội dung chính sách lớn có nhiều ý kiến hoặc cách thiết kế chính sách khác nhau còn chưa tập trung, khó xác định xu hướng, chưa thống nhất về nhiều vấn đề phức tạp. Còn 14 nhóm nội dung chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu.

Ông Vũ Hồng Thanh cho biết, qua thảo luận tại hội trường cho thấy, có 5/22 ý kiến ĐB đề nghị thông qua dự án Luật tại kỳ họp thứ 6; trong khi đó, 6/22 ý kiến nhận định rõ tính chất cần thiết sớm thông qua dự thảo Luật nhưng phải bảo đảm chất lượng; 11/22 ý kiến đề nghị rà soát kỹ lưỡng, dành thêm thời gian tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật một cách thấu đáo nhất, cân nhắc cẩn trọng việc thông qua dự án Luật khi còn quá nhiều ý kiến khác trong dự thảo Luật, vì vậy, đề nghị chưa thông qua dự án Luật tại kỳ họp này...

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

“Với vai trò hết sức quan trọng của Luật Đất đai, chất lượng của dự án Luật là vấn đề phải được đặt lên hàng đầu, tránh trường hợp Luật sau khi ban hành lại gây nhiều tác động và hệ lụy đối với các hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống của người dân”, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nêu rõ.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị chưa thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 6. Tại phiên họp này, với những nội dung còn 2 phương án, UBTVQH sẽ bàn, rút lại còn 1 phương án để trình Quốc hội.

Liên quan đến quyền của người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong dự luật, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Đảng đoàn Quốc hội đã thống nhất với Chính phủ chọn phương án 1.

Theo đó, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở được mua, thuê mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, nhận quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở… “Tuy nhiên, cần viết lại cho phù hợp”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gợi ý thảo luận và nêu quan điểm về một số vấn đề trong Luật Đất đai (sửa đổi)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gợi ý thảo luận và nêu quan điểm về một số vấn đề trong Luật Đất đai (sửa đổi)

Về phạm vi nhận quyền chuyển quyền sử dụng đất của các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, điều 28 dự thảo Luật trình Quốc hội thiết kế thành 2 phương án. Nhiều ĐB lựa chọn phương án 2, nhưng đa số ý kiến UBTVQH chọn phương án 1.

Phương án 1 là không bổ sung quy định này, tức là không cho phép các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng đất ngoài khu công nghiệp, khu công nghệ cao. Chủ tịch Quốc hội bày tỏ thống nhất với phương án này. Bởi đã có quy định tại điều 79 thống nhất cao vẫn tạo điều kiện cho nhà đầu tư có những tiếp cận thuận lợi hơn về đất đai ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế nhưng nội dung này đã có quy định ở điều khoản quét của 31 vấn đề thu hồi đất thì không cần thiết quy định lại nữa.

Về quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm, Chủ tịch Quốc hội nhận định: “Đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ đến mấy thì vẫn là đơn vị sự nghiệp công lập, không phải là một doanh nghiệp. Đất là tài sản công nên không có thế chấp hay bán bởi rất rủi ro. Đây là vấn đề được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề cập nhiều lần, đề nghị Chính phủ thống nhất về điều này theo hướng có mở, nhưng có kiểm soát. Quan điểm của Đảng, Nhà nước đã khẳng định đối với lĩnh vực y tế và giáo dục thì nguồn lực nhà nước vẫn là quan trọng nhất, vẫn là vai trò chủ đạo”, đồng chí Vương Đình Huệ nêu rõ.

Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực từ ngày 1-7-2014. Chính phủ trình và Quốc hội đã quyết định đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai 2013 vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Tuy nhiên sau đó, Chính phủ liên tục đề nghị lùi 4 lần. Tháng 6-2022, Quốc hội thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Theo đó dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10-2022, tiếp tục được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 tháng 5-2023 và dự kiến được thông qua tại kỳ họp thứ 6 tháng 10-2023.

Tin cùng chuyên mục