TPHCM vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng về việc ngừng xây dựng 20 thủy điện dọc sông Đồng Nai. Vì sao phải ngừng việc cho xây dựng 20 công trình thủy điện này?
Thủy điện làm tăng nguy cơ cạn kiệt và lũ
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lai, Giám đốc Sở Công thương TPHCM khẳng định, tình hình xả lũ vừa qua tại khu vực miền Trung ít nhiều cho thấy những tác hại nghiêm trọng từ việc xây dựng thủy điện nhưng thiếu quy hoạch tổng thể. Do đó, nếu xây dựng thêm 20 nhà máy thủy điện trên sông Đồng Nai mà không tính toán kỹ về đánh giá tác động môi trường, rất có khả năng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của một số tỉnh thuộc khu vực hạ lưu như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu.
Cụ thể, để xây dựng đập ngăn thủy điện, cần thiết phải phá bỏ một diện tích rừng đáng kể. Giảm diện tích rừng tự nhiên sẽ dẫn đến giảm lượng nước tích trữ vào mùa mưa, kéo theo lượng nước ngầm bổ cập cho sông vào mùa khô giảm, dẫn đến cạn kiệt nguồn nước.
Ông Nguyễn Văn Ngà, Trưởng phòng Quản lý tài nguyên nước và khoáng sản Sở TN-MT TPHCM cho biết, thực tế từ năm 2009 đến nay, nước sông Đồng Nai đang bị suy giảm cả về số lượng lẫn chất lượng so với những năm trước. Rõ nhất là tình trạng xâm nhập mặn sâu vào đất liền, đến tận khu vực đặt họng bơm lấy nước thô cho nhà máy cấp sản xuất nước sinh hoạt của thành phố, đe dọa trực tiếp nguồn nước cấp.
Nhà máy nước Tân Hiệp, Nhà máy nước BOO Thủ Đức đã phải ngưng lấy nước khoảng 2 – 6 giờ/ngày vì nước bị xâm nhập mặn, gây ảnh hưởng đến hoạt động cung cấp nước phục vụ sinh hoạt cho người dân. Trong mùa khô vừa qua, mực nước sông Đồng Nai đã giảm khoảng 20cm và nước mặn xâm nhập sớm hơn 2 tháng so với các năm trước.
Giảm thủy điện để cứu thảm thực vật
Giáo sư Đoàn Cảnh, Viện Kỹ thuật nhiệt đới, cho biết, với những nhà máy thủy điện hiện hữu trên sông Đồng Nai cũng cũng đã và đang gây nên những tác động đáng kể đến mực nước sông Đồng Nai. Thảm thực vật hai bên bờ sông Đồng Nai từ 4 tầng giờ chỉ còn 1 tầng. Ngoài việc làm giảm trữ lượng tích trữ nước mưa thì tốc độ dòng chảy lớn trực tiếp phát sinh từ hoạt động của thủy điện đã và đang phá vỡ hệ thống hai bên bờ dòng sông. Tình trạng xói lở bờ sông diễn ra nhanh, mạnh. Nước từ thượng nguồn dồn về hạ nguồn và thoát vào hệ thống kênh rạch, sông ngòi dẫn ra biển nhanh hơn, gây ngập sâu phía hạ nguồn…
Bộ Công thương cho biết, hiện rất khó kiểm soát được hết hoạt động của nhà máy thủy điện nhỏ. Trên thực tế, bài học từ việc phát triển ồ ạt nhà máy thủy điện vừa và nhỏ thời gian qua đã góp phần gây thiệt hại mưa lũ khu vực miền Trung nặng nề hơn.
Ái Vân