Đề nghị thanh tra dự án Sào Khê đội vốn từ 72 tỷ đồng lên 2.595 tỷ đồng

Tại phiên họp chiều 28-5, nhiều ĐBQH đã có ý kiến tranh luận hết sức sôi nổi về dự án cải tạo sông Sào Khê (Ninh Bình).

Nhắc đến thông tin Dự án nạo vét sông Sào Khê ở Ninh Bình đội vốn 36 lần từ 72 tỷ đồng lên 2.595 tỷ đồng, song sau 17 năm triển khai, hiện vẫn thi công dang dở khắp nơi, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đề nghị làm rõ trách nhiệm.

ĐB Bùi Văn Phương (Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) cho biết, trước khi có luật về đầu tư công các dự án đầu tư có sự điều chỉnh là "hiện thực". Nhưng không phải các dự án điều chỉnh đầu tư đều là "sai, có mờ ám".

“Nếu chỉ nhìn con số từ 72 tỷ đồng lên gần 2.600 tỷ đồng thì người dân sẽ đặt nhiều câu hỏi băn khoăn. Thực tế là dự án này bắt đầu từ năm 2011 với mục tiêu nạo vét sông phục vụ tưới tiêu nông nghiệp, nhưng do dòng sông chạy qua lõi Di sản Thế giới Tràng An; Ninh Bình là vùng đất du lịch nên dự án được điều chỉnh lại với 4 mục tiêu: sản xuất nông nghiệp; tôn tạo Cố đô Hoa Lư; phục vụ giao thông thủy; phục vụ du lịch”.

ĐB Bùi Văn Phương giải thích thêm, nguồn lực cho dự án này, không phải hoàn toàn là vốn Nhà nước, mà còn có vốn của doanh nghiệp; vốn Nhà nước “chỉ hơn 1.400 tỷ đồng”.

Vẫn theo Bùi Văn Phương, dự án đã góp phần giúp cho Ninh Bình được như ngày hôm nay; có Di sản Thế giới Tràng An, nên việc điều chỉnh là “hợp lý”.

Đề nghị thanh tra dự án Sào Khê đội vốn từ 72 tỷ đồng lên 2.595 tỷ đồng ảnh 1 ĐBQH Nguyễn Anh Trí phát biểu
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) phản biện: “Dự án sông Sào Khê đội vốn tới 36 lần, trong khi Ninh Bình đang nợ đọng 5.900 tỷ đồng, tới 65% chưa có phương án bố trí nguồn. Dự án mà tăng vốn đến như thế thì rất khó giải thích, trở thành gánh nặng cho nền kinh tế”.

ĐB Trương Trọng Nghĩa thẳng thắn đề nghị thanh tra toàn diện dự án này để có kết luận cho minh bạch, rõ ràng, cử tri yên tâm. “Rồi sau đó, nếu thấy đáng khen thưởng thì khen, phải rút kinh nghiệm thì rút kinh nghiệm”.

Tiếp lời, ĐB Nguyễn Anh Trí đề cập đến hiện tượng dự án “đầu chuột đuôi voi”, nghĩa là dự án ban đầu quy mô nhỏ, sau đó cứ điều chỉnh tăng thêm dần. Cho rằng đây là hiện tượng rất phổ biến, gây ra hội chứng lãng phí rất nguy hiểm, ĐB Trí xót ruột: “Rồi nói chỉ có 1.400 tỷ đồng là tiền Nhà nước, còn lại kêu gọi vốn xã hội, nhưng như thế mà không nhiều ư”? Theo ĐB Trí, đây là khoản tiền có thể giúp giải quyết rất nhiều vấn đề xã hội cấp thiết hơn.

Tin cùng chuyên mục