Đề nghị tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra vụ điều giáo viên tiếp khách

Vừa qua báo chí thông tin, tháng 8-2016, thị xã Hồng Lĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) liên tiếp tổ chức các sự kiện, hội nghị xúc tiến đầu tư, liên hoan dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh. Việc tổ chức các sự kiện có quy mô này buộc chính quyền phải huy động một lực lượng lớn cán bộ công nhân viên chức đi tiếp khách, trong đó có cả giáo viên.
Đề nghị tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra vụ điều giáo viên tiếp khách

(SGGPO). - Vừa qua báo chí thông tin, tháng 8-2016, thị xã Hồng Lĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) liên tiếp tổ chức các sự kiện, hội nghị xúc tiến đầu tư, liên hoan dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh. Việc tổ chức các sự kiện có quy mô này buộc chính quyền phải huy động một lực lượng lớn cán bộ công nhân viên chức đi tiếp khách, trong đó có cả giáo viên.

Cụ thể, tại hội nghị xúc tiến đầu tư diễn ra từ ngày 12-8 đến 14-8, UBND thị xã Hồng Lĩnh điều động 44 cán bộ viên chức, trong đó có 20 giáo viên. Liên hoan Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh đã huy động 21 giáo viên tham gia. Đáng chú ý, 21 nữ giáo viên được điều phục vụ liên hoan dân ca ví dặm được UBND thị xã chỉ định tên tuổi rõ trong văn bản hành chính.

Có 21 nữ giáo viên bị điều phục vụ tiếp khách nhân dịp liên hoan dân ca ví dặm

Điều mà dư luận và chính những giáo viên bức xúc là một số giáo viên sau đó phải đi tiếp khách uống rượu tại nhà hàng. Sự việc này gây xôn xao dư luận những ngày qua.

Chiều 14-11, Bộ GD-ĐT có công văn gửi Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc này. Theo đó, Bộ GD-ĐT cho rằng, việc điều động giáo viên làm việc khác có thể gây ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín và công việc chuyên môn là không phù hợp. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra làm rõ thông tin trên; chỉ đạo UBND thị xã Hồng Lĩnh tổ chức rút kinh nghiệm kịp thời nếu đúng thông tin như báo chí phản ánh.

 Cũng liên quan đến vụ việc này, đáng chú ý, sáng nay, 14-11, bên hành lang Quốc hội, trả lời báo chí, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, việc cử giáo viên đi tiếp khách rồi uống rượu là không phù hợp. Bởi theo quy định, công chức, viên chức không được uống rượu trong giờ hành chính.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, nhà giáo phải là tấm gương với học sinh và là tấm gương thì không thể nói trong giờ hành chính thì chấp hành, ngoài giờ thì không. “Đã là giáo viên phải chấp hành hình ảnh nhà giáo trong mắt học trò, phụ huynh và người dân. Luật giáo dục dành một chương về giáo viên, các thầy cô phải giữ nguyên tắc, phẩm chất của chính mình. Khi đã giữ nguyên tắc mà bị ép buộc thì trước hết phải hỏi trách nhiệm của thầy cô, sau mới tính đến người ép buộc. Thầy cô phải tự xem xét lại mình, khi thấy không đúng thì phải kiến nghị, chứ mình thực hiện là vi phạm", ông Nhạ nói. Bộ trưởng đề nghị phải nghiêm từ trong ngành, từng thầy cô một phải có trách nhiệm nghiêm túc, rồi mới xét đến người khác...

Tuy nhiên, nhiều ý kiến phản đối quan điểm này của Bộ trưởng, bởi thực tế, ít giáo viên nào dám từ chối lệnh điều động của cấp trên. Nhiều ý kiến cho rằng, trong vụ việc này, giáo viên không có lỗi, vì thế không thể đổ trách nhiệm cho giáo viên.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục