Để phát triển công nghiệp dược: Chủ động nguồn dược liệu

Để phát triển công nghiệp dược: Chủ động nguồn dược liệu

Một trong những nội dung được quan tâm tại dự thảo Luật Dược (sửa đổi) đang trình Quốc hội là phát triển nền công nghiệp dược trên cơ sở tiềm năng của nguồn dược liệu, thuốc cổ truyền. Theo Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), hiện Việt Nam mới đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu sử dụng thuốc, nhưng 90% nguyên liệu sản xuất phải nhập khẩu từ nước ngoài. Sự phụ thuộc này khiến ngành dược Việt Nam đang gặp không ít rủi ro do biến động tỷ giá, chất lượng, giá cả…

Bị khai thác, thao túng quá mức

Là một nước phong phú, đa dạng về dược liệu làm thuốc, nhưng Việt Nam lại nhập khẩu dược liệu đến 90%. Trong khi đó, tại hội thảo “Phát triển dược liệu theo tiêu chuẩn Tổ chức Y tế thế giới - WHO” tổ chức mới đây, tiến sĩ Trần Thị Hồng Phương, Cục Quản lý y dược cổ truyền, cho biết mỗi năm Việt Nam khai thác và sử dụng khoảng 50.000 - 70.000 tấn dược liệu, nhưng hầu hết đã bị thương lái Trung Quốc thu gom và khai thác một cách cạn kiệt. Có nhiều dược liệu quý trong tự nhiên được khai thác bán hết, từ gốc đến ngọn, với giá rất rẻ.

Theo các chuyên gia y tế, từ một nước xuất khẩu dược liệu vào những thập niên 1960 - 1970, hiện Việt Nam lệ thuộc hoàn toàn nguyên dược liệu nhập khẩu để sản xuất thuốc chữa bệnh, thậm chí cả đông y cũng phải mua dược liệu. Từ những năm 1990, WHO đã giới thiệu 200 loại dược liệu quý tại Việt Nam, nhưng nay cũng bị khai thác cạn kiệt và “chết dần”… Nói như ông Hà Thanh Hùng, Phó Viện trưởng Viện Y học dân tộc TPHCM, thì nguyên liệu cho các bài thuốc y học cổ truyền ngày càng hiếm, ngay cả sâm cũng chủ yếu dùng sâm Trung Quốc.

Đợt kiểm nghiệm mới đây của Vụ Y học cổ truyền (Bộ Y tế) cho kết quả có tới 60% trong số gần 400 mẫu dược liệu không đảm bảo chất lượng, dược liệu nhập từ Trung Quốc lẫn lộn cả bột xi măng, carbonat và chất gây ung thư. Theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Chủ tịch Hội Đông y TPHCM, những cây thuốc quý của ta được khai thác bán nguyên chất nhưng khi nhập khẩu lại thì toàn tạp chất. “Dược liệu rác, trôi nổi, kém chất lượng đến nay vẫn chưa kiểm soát được”, PGS Phong Lan nói.

Dược liệu được bày bán tran lan không kiểm soát được chất lượng

Cần chính sách cụ thể

Theo Bộ Y tế, hiện Việt Nam đã thống kê được trên 4.000 loài cây trong rừng tự nhiên có thể sử dụng làm thuốc. Không chỉ một số dược liệu chữa được bệnh thông thường mà hiện nay đã nghiên cứu, phát triển thành những loại thuốc có tác dụng chữa các bệnh nan y như thuốc kim tiền thảo chữa sỏi thận, thuốc crila chiết xuất từ cây trinh nữ hoàng cung chữa bệnh u xơ tử cung… Còn theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với hệ sinh thái nhiệt đới, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về dược liệu như quế, hồi, sa nhân, thảo quả, ba kích, thanh hao hoa vàng… Vậy làm gì để phát triển nguồn dược liệu phục vụ nhu cầu sản xuất thuốc trong nước, hạn chế nhập khẩu và tiến tới xuất khẩu?

Theo các chuyên gia dược học, cần sớm có chiến lược phát triển dược liệu cùng với các chính sách đầu tư. Chẳng hạn mới đây, tỉnh Hà Giang đã lập đề án đầu tư trồng dược liệu tại 6 huyện nghèo, giúp dân xóa đói giảm nghèo và tạo vùng dược liệu đủ lớn. Chương trình phát triển dược liệu cũng đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương quy hoạch 10.000ha. Hiện Hà Giang đã đầu tư gần 2.000ha ở 3 huyện nghèo với trên 1.000 loại dược liệu, phấn đấu đáp ứng đủ 300 vị thuốc y học cổ truyền cho cả nước. Một số doanh nghiệp dược cũng đã chủ động xây dựng các vùng trồng nguyên dược liệu như cây hoa hòe ở Đắk Lắk (sản xuất được hoạt chất rutin); atisô (có hàm lượng cynarin cao) ở Lâm Đồng; cây kim ngân, nhân trần tía, hoài nhơn, đẳng sâm… ở Đắk Nông; cây thìa canh (dùng để sản xuất thuốc diabetna trị bệnh tiểu đường) ở huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên…

Tuy nhiên, theo các chuyên gia dược học, thực tế việc nuôi trồng nguồn dược liệu chủ yếu vẫn tự phát, manh mún. Địa phương nào thấy có dược liệu tiềm năng thì kêu gọi trồng, doanh nghiệp có tiềm lực thì nuôi trồng nhưng thiếu những mô hình, quy hoạch. Nhiều địa phương xin Chính phủ hay các bộ ngành hỗ trợ nuôi trồng dược liệu nhưng mục tiêu chưa rõ ràng, chưa ai chịu trách nhiệm. Địa phương không quan tâm, nông dân trồng nhưng không tiêu thụ được thì bỏ (?!). Theo TS Trần Thị Hồng Phương, cần phải quy hoạch vùng trồng dược liệu chuyên canh trồng quy mô lớn nhằm cung cấp dược liệu sạch, có tính ổn định. Ngoài quy hoạch, cần có chính sách khuyến khích nông dân nuôi trồng dược liệu, tạo ra thị trường tiêu thụ dược liệu tốt, nghiên cứu và phát triển các loại thuốc từ dược liệu.

Khẳng định quan điểm bảo tồn dược liệu, phát triển các vùng trồng dược liệu và sản xuất thuốc từ dược liệu là mũi nhọn cho nền công nghiệp dược Việt Nam, tại buổi hội thảo về Luật Dược (sửa đổi) mới đây, bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng việc quy hoạch phát triển các vùng dược liệu, nghiên cứu chiết xuất tinh chất phục vụ các sản phẩm chữa bệnh cần được quan tâm. Trong đó, chú trọng quy hoạch các vùng trồng dược liệu quý; có chính sách khuyến khích nông dân nuôi trồng dược liệu; tạo ra thị trường tiêu thụ dược liệu tốt; nghiên cứu và phát triển các loại thuốc từ dược liệu, đầu tư xây dựng các nhà máy chiết xuất, tổng hợp dược liệu…

Theo Bộ Y tế, hiện cả nước có khoảng 61 doanh nghiệp sản xuất dược liệu nhưng chủ yếu cũng nhập khẩu nguyên liệu, phần lớn từ Trung Quốc. Ngoài ra là buôn bán theo hộ kinh doanh cá thể, tự phát, không đủ điều kiện bảo quản, tiêu chuẩn vệ sinh.

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục