Để phát triển khu chế xuất - khu công nghiệp hiệu quả, bền vững hơn: Chịu nhiều áp lực

LTS: Sau gần 30 năm xây dựng và phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN), TPHCM đã thu hút hàng ngàn dự án đầu tư với nhiều tỷ USD và giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động. Tuy nhiên, đến nay, nhiều KCX-KCN đã bộc lộ những hạn chế cần sớm khắc phục, tìm hướng mới để phát triển bền vững hơn.

Nếu như ở thời điểm ban đầu hình thành, vị trí xây dựng các KCX-KCN tại TPHCM được đánh giá là hợp lý thì đến thời điểm này, trước sự đô thị hóa mạnh mẽ, các KCX-KCN đã “lọt thỏm” trong khu dân cư, chịu nhiều áp lực về hạ tầng.

Quá tải

Nằm ở phía Tây TPHCM hiện có các KCN đang hoạt động: Lê Minh Xuân, An Hạ, Tân Tạo, Tân Bình, Vĩnh Lộc. Trong đó, đáng chú ý có KCN Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh) và KCN Tân Bình (quận Tân Phú) cách nhau chưa tới 2km nhưng số lượng công nhân đã lên tới gần 50.000 người.

Cả 2 KCN này đều thành lập từ năm 1997, khi dân cư trên địa bàn còn thưa thớt. Nhưng đến nay, cả 2 KCN đã bị “bao phủ” bởi nhà cửa, phố xá dày đặc. Ngoài ra, các chợ tự phát xuất hiện trên nhiều tuyến đường gần KCN. Các chợ này vừa cản trở giao thông vừa là nơi tiêu thụ nhiều thực phẩm không được kiểm soát về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đơn cử, trên đường Phạm Đăng Giảng (quận Bình Tân), nằm sát vách với KCN Tân Bình là hàng dài chợ tự phát hoạt động, đặc biệt là thời điểm công nhân tan ca từ 16 giờ 30 phút đến 18 giờ hàng ngày.

“Không chỉ phục vụ công nhân trong KCN, bên kia con kênh còn có cụm công nghiệp Tân Thới Nhất (quận 12), rồi người dân quanh đây cũng tập trung đến mua hàng nên lúc cao điểm sáng và chiều luôn kẹt cứng người lẫn xe cộ. Chưa kể, thực phẩm thì ruồi nhặng bu đầy”, ông Trần Văn Hợi, ngụ gần KCN Tân Bình, phản ánh.

Tương tự, từ khoảng 17 giờ, sau khi công nhân tan ca, những tuyến đường như Vĩnh Lộc, số 7 - kết nối với KCN Vĩnh Lộc, trở thành nỗi ám ảnh đối với người đi đường bởi cảnh mua bán tại chợ tự phát lấn chiếm gần hết lòng đường. Nhưng “nóng” nhất phải kể đến KCN Tân Tạo (quận Bình Tân).

KCN này có diện tích 443ha, thu hút hơn 200 doanh nghiệp đến đầu tư và hoạt động sản xuất với các ngành nghề như: dệt may, cơ khí chính xác, bao bì giấy, bao bì nhựa, chế biến gỗ, chế biến thủy sản xuất khẩu… với hơn 24.000 lao động. Mặc dù ở đây đã có hầm chui để đi bộ qua QL1A, nhưng mỗi lần tan ca, người đi đường vẫn bị ám ảnh do lượng công nhân đổ ra quá đông và nhiều người đã bất chấp nguy hiểm qua đường ngay trên QL1A.

Đã vậy, từ 15 giờ hàng ngày, trên tuyến đường song hành nội bộ của KCN - nằm song song với QL1A, “đội quân” bán hàng rong bày bán đủ loại rau củ quả, thịt cá… chiếm hơn nửa lòng đường, khiến việc đi lại rất khó khăn. Đến 17 giờ, khung cảnh càng thêm bát nháo khi công nhân tan ca.

Để phát triển khu chế xuất - khu công nghiệp hiệu quả, bền vững hơn: Chịu nhiều áp lực ảnh 1 Công nhân Khu công nghiệp Tân Tạo mua thức ăn ở chợ tự phát sau giờ tan tầm. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Không chỉ bị hàng rong, chợ tự phát “bủa vây”, đường Tây Thạnh - lối chính dẫn ra KCN Tân Bình về hướng Trường Chinh - thường xuyên xảy ra cảnh kẹt cứng kéo dài cả cây số mỗi khi xe chở hàng của doanh nghiệp chạy ra cùng lúc với giờ tan ca buổi chiều. Tình cảnh kẹt xe cũng rất nghiêm trọng, có khi kéo dài hàng giờ ở ngã tư QL1A và lối dẫn vào cổng chính KCN Vĩnh Lộc, đường số 18 dẫn vào KCN Tân Bình. Đại úy Nguyễn Tấn Đạt, Trạm CSGT Phú Lâm, xác nhận, cao điểm ùn ứ thường xảy ra từ lúc 11 giờ, khi xe tải, xe container từ KCN Vĩnh Lộc, KCN Tân Bình đồng loạt chở hàng ra “đụng” với xe chạy trên QL1A. Khoảng 17 giờ, khi công nhân 2 KCN tan ca thì tình trạng kẹt xe càng thêm nghiêm trọng.

Phía Nam TPHCM hiện có KCX Tân Thuận và KCN Hiệp Phước đang hoạt động. Được xây dựng đầu tiên ở TPHCM, KCX Tân Thuận hiện có 60.000 lao động. Từ 16 giờ 30 phút đến 18 giờ 30 phút, trên đường dẫn vào KCX Tân Thuận gần như ngày nào xe máy cũng phải chen chúc để đi. Số đông công nhân sau khi rời cổng KCX đều rẽ về hướng trung tâm TPHCM. Điều này góp phần khiến đường Nguyễn Tất Thành (quận 4) thường kẹt cứng vào giờ cao điểm. Đường Nguyễn Văn Linh, đoạn xuyên qua trung tâm đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7), có bình quân 10 làn đường nhưng vẫn thường xuyên kẹt xe, đặc biệt ở đoạn ngã tư Nguyễn Lương Bằng - Nguyễn Văn Linh mỗi lần công nhân KCX Tân Thuận tan ca.

Để phát triển khu chế xuất - khu công nghiệp hiệu quả, bền vững hơn: Chịu nhiều áp lực ảnh 2 Công nhân  sau giờ tan tầm  trước Khu công nghịệp Tân Tạo, TPHCM

Tính đến tháng 6-2022, TPHCM có 17/20 KCX-KCN đang hoạt động với hơn 1.600 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký hơn 12 tỷ USD và hơn 280.000 lao động; diện tích đất cho thuê đạt 1.832,41ha/2.539,06ha đất công nghiệp, đạt tỷ lệ lấp đầy 72%.

Khó phát triển thêm

Theo đánh giá gần đây của Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM (Hepza), nhiều ưu thế trong thu hút đầu tư vào KCX-KCN thành phố đã giảm bớt so với các địa phương lân cận. Một trong những nguyên nhân quan trọng là cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.

Còn về phía doanh nghiệp, trong nhiều cuộc họp góp ý cho đề án đổi mới hoạt động của KCX-KCN, không ít doanh nghiệp đã thẳng thắn cho biết, sự quá tải về giao thông, tình trạng ngập nước và các vấn đề về an ninh trật tự phát sinh từ nhiều khu trọ xập xệ của công nhân... đang làm họ phải cân nhắc khi đầu tư vào các KCX-KCN tại TPHCM. Các doanh nghiệp này cũng không ngại chỉ ra những bất cập, cụ thể như thay vì trước đây doanh nghiệp tại các KCX-KCN phía Nam, phía Tây có thể “quay đầu” tới 2 vòng xe, chở 4 container hàng tới khu cảng Cát Lái, thì nay chỉ còn 1 vòng, thậm chí có ngày chỉ chở được 1 chuyến hàng đi.

Nhiều doanh nghiệp trong KCX-KCN vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu, lãng phí nguồn lực, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường. Việc này không chỉ ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường chung của TPHCM, của các KCX-KCN mà còn là lực cản lớn trong thu hút đầu tư các dự án xanh, thân thiện với môi trường. Bởi lẽ, trong nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp được đưa ra như là một trong những yêu cầu bắt buộc để được hưởng các ưu đãi của hiệp định. Do đó, những doanh nghiệp “xanh” với những dự án “xanh” sẽ rất ngại đầu tư vào các KCX-KCN “mang tiếng” gây ô nhiễm môi trường.

Đáng chú ý, hoạt động sản xuất công nghiệp của TPHCM đang đứng trước thách thức không nhỏ khi các dự án thành lập KCN mới chậm triển khai… Những hạn chế này khiến việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất sẽ không mấy thuận lợi trong thời gian tới.

Tỷ lệ lấp đầy quỹ đất cao

Hầu hết các KCX-KCN tại TPHCM được hình thành và phát triển từ đầu những năm 1990 với mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, tạo tiền đề để nền kinh tế Việt Nam hội nhập với thế giới. Đến nay, nhiều KCX-KCN đã đạt được nhiều thành tựu, tạo bước đệm vững chắc cho giai đoạn phát triển tiếp theo.

Đơn cử, KCX Tân Thuận thành lập năm 1991, đến nay thu hút 235 dự án, vốn đầu tư đăng ký hơn 2 tỷ USD và hơn 60.000 lao động, trong đó FDI 170 dự án, vốn đầu tư đăng ký hơn 1,6 tỷ USD. KCX này có quy mô khoảng 300ha và hiện tỷ lệ lấp đầy 97% (diện tích còn lại chủ yếu đất văn phòng, thương mại). Những năm trở lại đây, thực hiện chuyển dịch cơ cấu đầu tư, KCX Tân Thuận đã thu hút nhiều dự án đầu tư của các công ty phần mềm, phần cứng, dịch vụ công nghệ thông tin.

Hay KCN Hiệp Phước thành lập năm 1996, đã thu hút 201 dự án với vốn đầu tư đăng ký hơn 2,1 tỷ USD và hơn 20.000 lao động, trong đó FDI 45 dự án. Đến nay, giai đoạn 1 của KCN (311,4ha) đã lấp đầy 100%. Đây là KCN duy nhất của thành phố có cảng biển (có thể đón tàu 30.000 DWT) hoạt động trong khu. Từ năm 2014, chủ đầu tư đã đề xuất với Bộ KH-ĐT về thực hiện sáng kiến phát triển KCN sinh thái và tiếp tục với giai đoạn 2 từ năm 2020-2025, trong đó KCN Hiệp Phước của thành phố được lựa chọn thí điểm mô hình KCN sinh thái.

Với lợi thế đi trước, các KCX-KCN tại TPHCM luôn dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng cũng như sức hấp dẫn, tập trung lượng lớn doanh nghiệp trong và ngoài nước thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề.

VĂN DIỆU

Tin cùng chuyên mục