Sổ tay

Để quy hoạch phát huy hiệu quả cao nhất

Thực hiện Luật Quy hoạch năm 2017, quy hoạch tổng thể quốc gia đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 9-1-2023 tại kỳ họp bất thường lần thứ 2.

Để quy hoạch phát huy hiệu quả cao nhất

Bên cạnh việc quy hoạch tổng thể quốc gia được phê duyệt, 97% số quy hoạch cần lập từ cấp tỉnh trở lên đã được cắt giảm. Trên toàn hệ thống (bao gồm cả các quy hoạch đô thị, nông thôn, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành), số lượng quy hoạch cần lập giảm tới 6.411 quy hoạch so với trước đó.

Cho đến nay, triển khai thực hiện luật, đã có 18/39 quy hoạch ngành quốc gia được phê duyệt, 52/63 quy hoạch tỉnh được phê duyệt. 5 quy hoạch vùng còn lại (ngoài vùng đồng bằng sông Cửu Long đã phê duyệt) cũng đã được Hội đồng thẩm định thông qua, đang hoàn thiện những thủ tục cuối cùng.

Theo lãnh đạo Bộ KH-ĐT, đây là một khối lượng công việc khổng lồ, nhất là khi quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh được lập theo phương pháp tích hợp mới theo quy định của Luật Quy hoạch. Dự kiến, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn bộ các quy hoạch sẽ được thẩm định, phê duyệt, tạo cơ sở đầy đủ cho triển khai các chương trình, dự án đầu tư từ nay đến năm 2030.

Quy hoạch, với vai trò là công cụ quản lý nhà nước, một mặt cần bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa và định hướng phát triển dài hạn của đất nước, khắc phục những khiếm khuyết cố hữu của kinh tế thị trường; mặt khác, phải phát huy nguyên tắc cạnh tranh, linh hoạt và hiệu quả của nền kinh tế. Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, quá trình thực hiện Luật Quy hoạch 2017 đã giúp nhận diện một số điểm bất hợp lý. Bộ KH-ĐT đang gấp rút chuẩn bị tổng kết đánh giá việc thi hành Luật Quy hoạch và xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến trong năm 2025.

Cùng đó, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo sát sao, quyết liệt đối với các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ lập quy hoạch để vừa đẩy nhanh tiến độ vừa kiểm soát chất lượng quy hoạch. Quá trình tổ chức lập quy hoạch, các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ và thường xuyên trao đổi, chia sẻ thông tin lập quy hoạch để các quy hoạch được kết nối đồng bộ, đảm bảo tính khả thi.

Một yêu cầu hết sức quan trọng khác là triển khai xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch để đảm bảo cung cấp thông tin, dữ liệu về quy hoạch nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả tới người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Xây dựng được một bản quy hoạch tốt đã khó, thực hiện được bản quy hoạch ấy còn khó hơn rất nhiều. Muốn vậy, cần tăng cường việc công khai, minh bạch quy hoạch; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong quản lý quy hoạch. Công tác “hậu kiểm” cần được chú trọng để ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về quy hoạch.

Tin cùng chuyên mục