Năm tháng đầu năm 2016 ghi nhận một không khí đầy sôi động của thị trường sách trong nước, ồn ào các tự truyện, sôi động sách lịch sử… Ngoài ra còn có sự xuất hiện của những tác phẩm có đề tài mới lạ, tương đối ít thấy, cũng góp phần không nhỏ mang lại một sắc thái đa dạng cho văn học trong nước hiện nay.
Người trẻ tiên phong
Giới thiệu cùng một lúc hai cuốn sách gồm 3 tác phẩm riêng rẽ, với một nữ nhà văn trẻ như Trương Thanh Thùy, là quá đủ để gây ngạc nhiên. Thế nhưng, không dừng ở đó, điều gây chú ý nhất là ở nội dung những tác phẩm. Tất cả 3 tác phẩm gồm 1 tiểu thuyết và 2 truyện dài của nữ nhà văn sinh năm 1982 đều có cùng nội dung về tín ngưỡng, tâm linh, một dạng đề tài mà hiếm có cây bút trẻ nào thực hiện.
Cuốn tiểu thuyết có nhan đề 2030 là một dạng giả sử, tác phẩm thể hiện dưới hình thức một cuốn sách lịch sử ghi chép về sự hủy diệt của trái đất. Tác phẩm này được đánh giá là không sa đà vào các yếu tố huyễn hoặc mà mượn một giả thuyết để diễn tả về tình cảm, tình yêu của con người trong bối cảnh khốc liệt nhất của cuộc sống.
Hai truyện dài của Thanh Thùy lần lượt có nhan đề Thiên linh cái và Linh thú không chỉ gây ngạc nhiên về nội dung mà còn lạ ở hình thức thể hiện, khi được in trong cùng một cuốn sách nhưng ngược đầu nhau.
Sự xuất hiện của những tác phẩm có nội dung khác biệt mang đến sự đa dạng cho thị trường sách trong nước
Theo tác giả thì cách bố trí này nhằm nhấn mạnh sự đối nghịch trong câu chuyện của hai tác phẩm dựa trên một vụ án có thật từng xảy ra ở Đồng Tháp miêu tả hủ tục, truyền thuyết tại vùng Nam bộ còn Linh thú lại là câu chuyện về một bộ tộc da đỏ với những ảo vọng mượn sức mạnh huyền bí.
Cũng với đề tài huyền bí, Đại Nam dị truyện, tác phẩm đầu tay của tác giả Phan Cuồng (Phan Chí Hiếu) lại là một mô hình tiêu biểu cho phương thức sáng tác hiện nay. Tác phẩm này xuất hiện từ những câu chuyện kể trên mạng, dần dần được tổng hợp, bổ sung, chỉnh sửa và xuất bản như một tác phẩm hoàn chỉnh. Lấy bối cảnh và các nhân vật lịch sử thời Lê Trung Hưng (nhưng tên tác phẩm lại là thời Nguyễn), tác giả xây dựng một thế giới riêng của mình với câu chuyện về các phù thủy, vong hồn, bùa ngải, huyền thuật, tà thuật đầy huyền bí, kinh dị…
Mật mã Champa, tiểu thuyết của nhà văn Giản Tư Hải có thể xem là tác phẩm đáng chú ý nhất trong dòng sách có đề tài huyền bí. Xoay quanh việc một nhà khảo cổ tình cờ khám phá bí mật tại khu di tích Mỹ Sơn, tác phẩm đưa người đọc đến với sự pha trộn giữa văn hóa, lịch sử và cả trí tưởng tượng của nhà văn. Điểm được đánh giá cao nhất ở tác phẩm này là đã mang đến khá nhiều những kiến thức về văn hoá xen lẫn cách kể chuyện lôi cuốn.
Đa dạng và hấp dẫn
Thực ra đề tài huyền bí, ma quái, bí hiểm… không phải là điều mới lạ trong thị trường sách Việt. Thậm chí có một thời gian, người ta đã phải lên tiếng cảnh báo về việc có quá nhiều tác phẩm dạng này gây ảnh hưởng tiêu cực đến bạn đọc. Thế nhưng, điểm khác biệt lớn nhất của những tác phẩm vừa ra mắt bạn đọc với những ấn phẩm trước kia là cách sử dụng yếu tố huyền bí. Các câu chuyện về ma quái, huyền bí, dị thường giờ chỉ còn là công cụ để tác giả phản ánh những vấn đề về tư tưởng của mình. Như với Thiên linh cái là sự giằng xé của những người phụ nữ đi tìm kiếm điều tốt đẹp nhất cho mình để rồi dù biết có những điều không may mắn đang chờ đợi vẫn không thể dừng lại. Với 2030 là ám ảnh về một tương lai bất định nhưng cũng hàm chứa cả nghị lực vượt khó của con người.
Tại buổi giao lưu nhân dịp ra mắt tác phẩm Đại Nam dị truyện, một câu hỏi được đặt ra với tác giả Phan Chí Hiếu là vì sao anh lại viết về đề tài vốn được xem là mang đậm tính giải trí, ít giá trị văn học. Bên cạnh lời đáp về đam mê, sở thích và kiến thức phù hợp với việc sáng tác đề tài này thì có một ý được nhắc đến là chính vì suy nghĩ rằng đó chỉ là “sách hạng hai” mà suốt một thời gian dài hầu như ít cây bút nào trong nước thực sự nghiêm túc đi vào hướng sáng tác này, bất chấp việc thực tế dù muốn hay không, các loại đề tài này vẫn có lượng bạn đọc nhất định.
Và để đáp ứng nhu cầu đó, một số lượng lớn tác phẩm có đề tài huyền bí đã được các nhà làm sách mang về, dịch thuật và phát hành. Và dĩ nhiên không thể tránh khỏi những lệch lạc về văn hóa, xã hội… trong các tác phẩm đó, mà tiêu biểu là việc một bộ sách viết về đề tài trộm mộ có chứa nội dung sai lệch về chủ quyền gây xôn xao dư luận thời gian trước đây.
Một thời gian dài những nhà phê bình trong nước liên tục cảnh báo tình trạng mất cân đối trong sáng tác khi các nhà văn trẻ viết quá nhiều về tình yêu, hay các cây bút có tên tuổi sa đà vào mảng đề tài nóng như đồng tính, thì nay nhiều cây bút trẻ bắt đầu chuyển hướng sáng tác qua các đề tài mới. Đó là những đề tài truyền thống như chiến tranh, cuộc sống xã hội đến những đề tài khác biệt như huyền ảo, viễn tưởng và gần đây là kỳ bí, phiêu lưu… đã góp phần cho thấy đời sống văn học đang dần chuyển biến, có sự cân bằng hơn ở các đề tài với đủ các giá trị từ giáo dục đến giải trí.
TƯỜNG VY