Để trường nghề thoát cảnh lay lắt - Bài 1: Không tiền, khó tuyển, không thoát khó

Hệ thống trường nghề hiện nay vẫn còn chồng chéo trong việc quản lý, không có kinh phí, không tuyển được học viên nên cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học không được đầu tư. Nhiều trường vẫn than khổ, nhưng vẫn thiếu phương cách để thoát khổ, thoát khó… Đó là thực trạng đang tồn tại ở một số trường nghề tại TPHCM.

Cơ sở tạm bợ, thuê mướn

Trong vai phụ huynh có nhu cầu tìm hiểu thông tin về tuyển sinh nghề năm học 2020-2021, sau một hồi lần mò trên địa bàn phường 21, quận Bình Thạnh (TPHCM), chúng tôi cũng tìm được hẻm 37/3 Ngô Tất Tố. Đi sâu vào bên trong khoảng 40m, trước mặt là một “tổ hợp” trường chen chúc trên khuôn viên khoảng 1.000m2. Ngay đầu tòa nhà 1 trệt 1 lầu cũ kỹ, rêu mốc với chiều dài mặt tiền khoảng 50m là biển hiệu Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur. Cạnh bên là các trường: Trung cấp Tin học Kinh tế Sài Gòn; Trung cấp Sài Gòn; Trung tâm Giáo dục thường xuyên Tôn Đức Thắng; Văn phòng tuyển sinh Đại học mở Hà Nội.
Để trường nghề thoát cảnh lay lắt - Bài 1: Không tiền, khó tuyển, không thoát khó ảnh 1  “Tổ hợp” trường nằm sâu trong con hẻm 37/3 Ngô Tất Tố, phường 21, Bình Thạnh, TPHCM 
Bước qua ô cửa kính vào bên trong Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur, phòng tư vấn tuyển sinh rộng chưa tới 30m2, có 3 nhân viên đang làm việc, không đeo bảng tên hướng dẫn thủ tục, hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường cho một bạn trẻ. Hỏi về việc nộp hồ sơ cho người nhà ở tỉnh vào trường theo cách thức như thế nào để được xét tuyển bậc trung cấp và cao đẳng, nữ nhân viên sau hồi dò hỏi, cũng trả lời nhát gừng: Trường không tuyển học sinh tốt nghiệp THCS, chỉ tuyển bậc THPT.
Lo lắng về nơi ăn ở cho người nhà nếu theo học tại trường, nữ nhân viên cho biết: Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cơ sở chính ngoài Hà Nội, tại TPHCM có 3 cơ sở và… trường có ký túc xá. Đặt vấn đề cần tới tham quan ký túc xá, nữ nhân viên này nói lại: Cơ sở tại quận Bình Thạnh không có ký túc xá, mà trường “liên kết” với các chủ nhà trọ xung quanh làm nơi ở cho học viên (!?). 
Trường Trung cấp Tin học Kinh tế Sài Gòn nằm kế bên, cửa đóng then cài. Hỏi người đàn ông trung niên - bảo vệ khu phố, được biết trường đã chuyển đi chỗ khác. Tìm tới trụ sở ghi trên bảng hiệu tại số 14-16-18 Nguyễn An Ninh (phường 14, Bình Thạnh), bất ngờ bởi đây chỉ là một ngôi nhà phố cũ kỹ, mặt tiền khoảng 3m, sâu vào trong gần 30m, cũng cửa đóng then cài. Tại cơ sở mới, số 13 Vũ Ngọc Phan (phường 13, Bình Thạnh) nhìn bề ngoài khá khang trang, ngay tầng trệt là phòng tuyển sinh, phía trên sân thượng 2 người thợ đang lụi hụi hàn nắp hệ thống mái che. Không thấy bóng dáng người học.
Những trường khác cũng đang phải đi thuê mướn thêm cơ sở làm chỗ dạy và hoạt động. Các trường: Trung cấp Bến Thành, Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Tây Nam Á; Trung cấp Tài chính Kế toán tin học Sài Gòn; Trung cấp Vạn Tường… đều có cơ sở vật chất khá chật chội với điều kiện học tập, vui chơi còn nhiều hạn chế. 
Hơn 2.000 giáo viên chưa đạt chuẩn
Để hút người học, một số trường chú trọng nâng cấp, xây mới trường lớp, đầu tư mạnh trang thiết bị hiện đại phù hợp với ngành nghề đào tạo, kỹ năng theo hướng tiên tiến, từng bước tiếp cận chuẩn quốc tế, mở nhiều ngành nghề mới mà xã hội đang cần; kết nối với doanh nghiệp đặt hàng đào tạo để khi học sinh - sinh viên (HS-SV) ra trường có việc làm ngay… Tuy nhiên, HS-SV vẫn quay lưng.
Khối liên kết các trường chuyên nghiệp tại TPHCM hiện có 34 trường, gồm: 26 trường trung cấp và 8 trường cao đẳng. Ông Đỗ Hữu Khoa, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Công nghệ thông tin Sài Gòn, Chủ tịch khối, chia sẻ, con số các trường nghề đầu tư theo hướng này cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, số còn lại vẫn “giậm chân” tại chỗ.
Để trường nghề thoát cảnh lay lắt - Bài 1: Không tiền, khó tuyển, không thoát khó ảnh 2  “Tổ hợp” trường nằm sâu trong con hẻm 37/3 Ngô Tất Tố, phường 21, Bình Thạnh, TPHCM 
Cũng theo ông Đỗ Hữu Khoa, 6 tháng đầu năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều trường nghề chỉ cố tìm cách cầm cự, từ trả tiền thuê mặt bằng đến giữ chân đội ngũ giáo viên và làm sao cho khỏi bù lỗ quá nhiều, vì vậy không mấy trường có kinh phí dám bỏ tiền đầu tư cơ sở vật chất (CSVC), trang thiết bị cho năm học tới.
Hiện trên cả nước, mạng lưới các cơ sở đào tạo nghề do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), Bộ LĐTB-XH quản lý phát triển với tốc độ chóng mặt. Bên cạnh hơn 800 trường nghề còn có hàng ngàn trung tâm, cơ sở dạy nghề, thế nhưng chất lượng đào tạo lại không tương xứng với sự phát triển về trường lớp khi số lượng trường nghề đông nhưng chất lượng đào tạo, hiệu suất đào tạo thấp.
Nguyên nhân cốt lõi là chất lượng giảng viên (GV) không đồng đều, giảng dạy còn thiếu tính thực tiễn, chạy sô từ đại học xuống trường nghề. “Muốn đào tạo được nguồn nhân lực có tay nghề cao, cần thiết phải có đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GDNN giỏi”, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, bày tỏ quan điểm. 
"Số lượng cán bộ quản lý, giáo viên vẫn thiếu so với nhu cầu, cơ cấu ngành nghề phân bố không đồng đều. Phần lớn GV chưa đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng thực hành nghề theo tiêu chuẩn quốc gia và còn hạn chế trình độ ngoại ngữ, tin học. Các trường nghề cần xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phù hợp chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ. Bổ sung trang thiết bị và cơ sở vật chất cho các học phần Thực hành kỹ năng nghề phù hợp với chuẩn kỹ năng nghề quốc gia; áp dụng phương pháp dạy học theo định hướng phát huy tính tích cực của người học; đào tạo theo định hướng gắn nhà trường với doanh nghiệp" 
                                                  PGS-TS ĐỖ VĂN DŨNG
Thống kê sơ bộ ở TPHCM hiện có 566 cơ sở đào tạo nghề, gồm: 52 trường cao đẳng (45 trường; 7 cơ sở đào tạo), 64 trường trung cấp (63 trường, 1 cơ sở đào tạo), 86 trung tâm GDNN và 364 cơ sở khác có hoạt hoạt động GDNN, với 509.550 HS-SV theo học.
Đáng lo, trong tổng số 12.786 cán bộ quản lý (CBQL), GV tham gia giảng dạy, có 2.994 CBQL, GV, trình độ chuyên môn dưới đại học. Còn theo đánh giá, xếp hạng từ quy định của Thông tư 08/2017/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐTB-XH quy định về chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo GDNN thì khối GDNN TPHCM chỉ có 10.271/12.786 CBQL, GV đạt chuẩn. 
Trăn trở trước những đòi hỏi bức thiết về việc cần đổi mới cơ bản và toàn diện, tạo sự đột phá về chất lượng đào tạo nghề, TS Phạm Đức Khiêm, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật TPHCM, cho rằng, HS-SV theo học tại các trường nghề có đến 70% là thực hành nhưng số GV có kinh nghiệm và thực tiễn không nhiều. Ít có GV xử lý được nếu có sự cố về máy móc. Trong khi đó, hàng năm Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM có tới trên 2.000 SV tốt nghiệp, nhưng chỉ khoảng 15% trong số đó xin dạy tại các trường nghề.

Báo cáo của Phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐTB-XH TPHCM (ngày 5-11-2019) nhìn nhận: Cơ sở vật chất, trường lớp của một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện còn lạc hậu so với yêu cầu; chưa đầu tư phương tiện kỹ thuật dạy học tiên tiến, chưa tạo uy tín đào tạo với đơn vị sử dụng lao động, tạo tâm lý e ngại trong tuyển dụng lao động sau đào tạo giáo dục nghề nghiệp đã phần nào ảnh hưởng đến tâm lý xã hội trong việc hướng nghiệp, phân luồng học sinh. Công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa hiệu quả nên việc giao đất, cấp đất để các đơn vị phát triển cơ sở vật chất còn chậm, gây ảnh hưởng nhất định đến chất lượng đào tạo.

Tin cùng chuyên mục