Được học tập ở những ngôi trường hàng đầu thế giới tại các nước có nền giáo dục tiên tiến là ước mơ của nhiều bạn trẻ Việt Nam. Tuy nhiên, chi phí dành cho việc học ở những nước này là rào cản lớn. Vì vậy, để thực hiện ước mơ vươn xa và thành công trên con đường học vấn, săn học bổng là giải pháp tối ưu mà các bạn trẻ hướng tới.
Học sinh, sinh viên Việt Nam tìm hiểu thông tin học bổng tại Ngày hội tư vấn du học Australia ở TPHCM Ảnh: KHÁNH BÌNH
Rạng danh giới trẻ Việt
Mùa tuyển sinh quốc tế năm 2016 này, 5 nữ sinh Việt là Võ Tường An (quê Quảng Ngãi), Võ Ngọc Hải Châu (TPHCM), Nguyễn Thị Hà Giang (Hà Tĩnh), Tôn Hiền Anh (Hà Nội) và Bùi Trần Bảo Ngọc (Hòa Bình) bỗng nổi như cồn vì giành được học bổng toàn phần từ hàng chục ngôi trường đại học (ĐH) hàng đầu thế giới, trong đó có nhóm trường Ivy League (Mỹ) là ĐH Harvard, Yale, Cornell, Dartmouth và ĐH Stanford.
Trước đó đã có rất nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam giành được các suất học bổng của các trường danh giá, là tấm gương cho mục tiêu phấn đấu của giới trẻ ham học. Có thể kể đến những cái tên như: Nguyễn Thị Huyền Trang (Hà Nội) nhận được học bổng của Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF - tổ chức học bổng của Chính phủ Hoa Kỳ dành cho sinh viên Việt Nam) làm nghiên cứu sinh chuyên ngành Khoa học đất tại một trường ĐH thuộc bang Oregon. Trang hiện đang theo học 2 chuyên ngành là Toán - Tin học và Tài chính tại ĐH Adelaide (Australia) nhờ Đề án 322, học bổng ngân sách của Chính phủ Việt Nam; Phạm Thị Hà (Hà Nội) nhận học bổng làm nghiên cứu sinh tại ĐH Illinois (Mỹ) hay Châu Thanh Vũ (Ninh Thuận) nhận học bổng tiến sĩ kinh tế ĐH Harvard (Mỹ)…
Những năm gần đây, nhiều người trẻ Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể khi liên tục nhận được những suất học bổng toàn phần từ những trường danh tiếng nhất thế giới. Ngoài việc săn những suất học bổng để giải quyết bài toán về chi phí học tập đắt đỏ ở các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến thì các bạn còn góp phần nâng cao vị thế của giới trẻ Việt đối với bạn bè quốc tế.
Kỹ năng săn học bổng
Bằng kinh nghiệm thực tế, hầu hết du học sinh cho rằng, việc săn học bổng đòi hỏi các bạn phải lên kế hoạch từ rất sớm và thực sự kiên trì. Bởi không phải cứ tìm nguồn học bổng phù hợp, gửi thư xin học là được nhận mà có những người mất nhiều năm để săn học bổng. Đoàn Kim Trang (quê Hải Phòng) đã mất 4 năm để săn được học bổng tại ĐH Sydney (Australia), chia sẻ: “Có những bạn chỉ mất vài tháng hoặc nhiều thì 1 - 2 năm là có học bổng nhưng mình mất tới 4 năm trau dồi kiến thức và gửi thư tới nhiều trường, sau 6 lần thất bại mới có được kết quả. Đây là khoảng thời gian cực kỳ khủng hoảng, mọi thứ đều phải dồn vào việc học và tìm các nguồn học bổng từ nhiều trường, chuẩn bị hồ sơ… Do vậy, ngay từ đầu, các bạn xác định quyết tâm du học bằng học bổng thì phải đặt ra mục tiêu trong 5 năm để phấn đấu”.
Nguyễn Ngọc Châu (TPHCM), nhận học bổng toàn phần ngành Thiết kế thời trang tại Trường Nghệ thuật Leeds (Anh quốc), cho rằng trước hết phải xác định muốn học ngành gì, trường nào, nước nào; mình sẽ học được gì nếu vào được trường đó và mong muốn săn loại học bổng kiểu gì. Hiện có rất nhiều loại học bổng như học bổng của các trường ĐH, học bổng của chính phủ, học bổng của các tổ chức, công ty hay học bổng theo dạng nghiên cứu… Từ đó sẽ tìm nguồn học bổng từ các trang web của các trường hoặc trang web của đại sứ quán các nước đặt tại Việt Nam. Nên mạnh dạn gửi thư tới nhiều trường để có thêm nhiều cơ hội. Tuy nhiên, cũng phải xác định rằng cũng có nhiều học bổng có điều kiện, nghĩa là sau khi tốt nghiệp, bạn sẽ phải công tác tại nơi mà nguồn cấp học bổng này chỉ định trong một khoảng thời gian, vì vậy cần phải xem xét kỹ điều khoản này trước khi quyết định.
Còn với Nguyễn Quỳnh Như (TPHCM) vừa giành được học bổng toàn phần tại ĐH Cornel (thuộc nhóm trường Ivy League, Mỹ) chia sẻ về chiến lược săn học bổng của mình, ngoài việc bắt buộc hoàn thành bộ hồ sơ gồm các chứng chỉ TOEFL, IELTS, SAT, có một bảng điểm cao thì bài luận và thư giới thiệu là con “át chủ bài” trong bộ hồ sơ.
“Xác định du học bằng nguồn học bổng thì ngay từ rất sớm, ngoài việc học tập để có điểm số tốt thì hoạt động ngoại khóa và tìm kiếm cơ hội để học tập, làm việc, nghiên cứu cùng những người có học hàm, học vị, chức vụ cao để sau này xin họ viết thư giới thiệu hoặc xin chữ ký xác nhận trong thư giới thiệu là điều các bạn cần lưu ý. Bài luận phải thật sự ấn tượng và chân thật, nó như một bản quảng cáo chính bản thân mình tới hội đồng xét tuyển. Thư giới thiệu phải mang sắc thái, cá tính riêng, cho họ thấy tại sao họ nên chọn mình. Đây cũng là chìa khóa để bắt đầu cuộc phỏng vấn khi lọt vào vòng trong”, Quỳnh Như chia sẻ.
Có mục tiêu giành học bổng từ sớm nên Quỳnh Như tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa để làm đẹp bộ hồ sơ của mình và có thêm trải nghiệm để dễ dàng thích nghi với môi trường mới. “Tất cả những yếu tố đó là điều kiện cần thiết trước khi nộp hồ sơ xin học bổng”, Quỳnh Như chia sẻ.
HẢI THU