Để xây dựng trường học hạnh phúc

Năm học 2022-2023, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 bước vào năm thứ 3 triển khai, với mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất cho người học. Để thực hiện mục tiêu đó, xây dựng môi trường học đường thân thiện trở thành một trong những yêu cầu tất yếu. 

Mới đây, tại hội thảo “Thay đổi vì một trường học hạnh phúc” do Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp các đối tác thực hiện, GS Hà Vĩnh Thọ (người sáng lập Hiệp hội Eurasia - hiệp hội hoạt động vì sự phát triển ngành sư phạm trị liệu tại Việt Nam), chia sẻ, hầu hết giáo viên trẻ sau khi ra trường đều tràn đầy lý tưởng và nhiệt huyết. Nhưng sau một thời gian đi dạy, các giáo viên quên dần lý do vì sao mình chọn con đường này.

Đặc biệt, khi thế hệ học sinh ngày nay lớn lên trong thời đại của internet và mạng xã hội, các em có xu hướng tìm kiếm sự thỏa mãn tức thì, khiến vai trò và phương pháp giáo dục của giáo viên phải thay đổi.

Theo thầy Ngô Phi Công, Hiệu trưởng Trường THPT Bắc Trà Mi (tỉnh Quảng Nam), trường học hạnh phúc là nơi không có bạo lực học đường, giáo viên và học sinh được bảo đảm an toàn về danh dự, nhân phẩm và thân thể; quá trình học tập diễn ra trên tinh thần chia sẻ, hợp tác và yêu thương.

Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là liệu các nhà trường đã được trao đủ quyền để giảm bớt áp lực cho cả người dạy lẫn người học? Mối liên hệ giữa 3 môi trường giáo dục (là gia đình, nhà trường và xã hội) có đủ mạnh để không đổ hết trách nhiệm lên đôi vai người thầy? 

Không thể phủ nhận nỗ lực hiện nay của lãnh đạo các nhà trường trong việc tạo ra môi trường học tập gần gũi, phát huy được sự chủ động và tích cực của người học. Đó là ánh mắt vui sướng, hạnh phúc của một học sinh lớp 6, Trường THCS Minh Đức (quận 1, TPHCM) khi được ngồi ăn sáng với cô hiệu trưởng; hay sức lan tỏa từ hành trình kết nối yêu thương do Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1, TPHCM) tổ chức nhằm chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy, học tập cho giáo viên và học sinh các huyện ngoại thành.

Để có những hoạt động đó, hiệu trưởng phải ra khỏi “vùng an toàn”, dám nghĩ, dám làm, linh hoạt trong cách thức tổ chức và vận động kinh phí, quan trọng hơn hết là có sự đồng lòng của tập thể sư phạm, học sinh và phụ huynh. 

Qua đó cho thấy, xây dựng trường học hạnh phúc không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành giáo dục mà cần sự chung tay của các tổ chức, đoàn thể trong xã hội, cùng sự linh hoạt tháo gỡ về mặt pháp lý. Đặc biệt, khi giáo viên được trả về đúng vai trò của người thầy là giảng dạy, không áp đặt nhiệm vụ khác như thu tiền đầu năm, tuyên truyền kế hoạch cho trường… sẽ giúp giáo viên được cởi trói, dốc lòng cho mục tiêu giáo dục.

Tin cùng chuyên mục