Đề xuất lấy nước sông Đà hồi sinh các “sông chết” ở Hà Nội, chi phí 16.000 - 17.000 tỷ đồng

Các nhà khoa học của Hội Cơ học Hà Nội đưa ra giải pháp sử dụng nước sông Đà thay thế, tận dụng địa hình dốc từ huyện Ba Vì về Hà Nội, cung cấp nguồn tự chảy cho các con sông lớn của Thủ đô như: sông Nhuệ, sông Đáy và sông Tô Lịch.

3.jpg
Lực lượng chức năng của Hà Nội triển khai nhiều máy móc cơ giới để nạo vét bùn đất làm sạch sông Tô Lịch

Ngày 15-5, Hội Cơ học Hà Nội phối hợp Trường Đại học Xây dựng tổ chức hội thảo khoa học, đề xuất các giải pháp bảo đảm an ninh nguồn nước và văn hóa nước vùng phía Tây Hà Nội, với sự tham gia của hơn 50 chuyên gia về thủy lợi, môi trường, xây dựng và cấp thoát nước.

Tại hội thảo, PGS-TS Khổng Doãn Điền, Chủ tịch Hội Cơ học Hà Nội nêu, Hà Nội có nhiều dòng sông giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa nhưng nhiều dòng sông hiện nay không có dòng chảy vào mùa khô và bị ô nhiễm nghiêm trọng, trở thành "sông chết".

Nguyên nhân chính là do hạ thấp đáy sông dẫn đến hạ thấp mực nước trên sông Đà và sông Hồng làm cho các công trình thủy lợi không lấy đủ nước. Cùng với đó, việc phát triển kinh tế - xã hội làm gia tăng nhu cầu, tính chất, mục đích sử dụng nước, tác động đến khả năng tiêu úng, thoát lũ và phòng chống thiên tai.

Để hồi sinh những dòng sông ở phía Tây Hà Nội, các nhà khoa học của Hội Cơ học Hà Nội đưa ra giải pháp sử dụng nước sông Đà thay thế, tận dụng địa hình dốc từ huyện Ba Vì về Hà Nội, cung cấp nguồn tự chảy cho các con sông lớn của Thủ đô như sông Nhuệ, sông Đáy và sông Tô Lịch.

Cụ thể, giải pháp của Hội Cơ học Hà Nội đưa ra là lấy nguồn nước sông Đà qua cống Thuần Mỹ (nằm trên bờ hữu sông Đà tại huyện Ba Vì), có khả năng lấy khoảng 100m3/s nước từ sông Đà đưa vào sông Tích, từ đó chảy tự nhiên về thị xã Sơn Tây.

Nước sông Tích về Sơn Tây có dòng chảy hở tự do không áp nên tổn thất ít, sử dụng cống điều tiết để điều chỉnh mực nước ở Sơn Tây lên 10m. Tại cống điều tiết Sơn Tây chuyển 40m3/s theo sông Tích về sông Bùi, còn 60m3/s theo đường trục quy hoạch Tây Thăng Long về đến sông Đáy xả 30m3/s, về đến sông Nhuệ xả 25m3/s, còn lại 5m3/s về sông Tô Lịch và Hồ Tây.

1.jpg
Sông Tô Lịch đang được nạo vét để làm sạch bằng cách lấy nước từ sông Hồng vào

Theo đánh giá của Hội Cơ học Hà Nội, nếu triển khai giải pháp trên có thể phải đầu tư khoảng 16.000 - 17.000 tỷ đồng, nhưng mang lại nhiều hiệu quả, như: các sông có dòng chảy tự nhiên bền vững; cải thiện môi trường; giao thông thủy phát triển; chủ động cấp nước cho sản xuất nông nghiệp khoảng 70.000ha, tăng vụ, tăng năng suất, giảm chi phí tiền điện không phải bơm nước từ sông Hồng lên và không phải đầu tư công trình chống hạn.

Bên cạnh đó, giải pháp trên cung cấp nước cho 20.000ha nuôi trồng thủy sản; cấp nước cho các nhà máy nước sạch để giảm khai thác nước ngầm.

Tin cùng chuyên mục