Đề xuất tiếp tục kéo dài chính sách giảm thuế VAT

Các đại biểu cho rằng, cần tiếp tục các chính sách nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa, xem xét tiếp tục giảm một số thuế, phí, vì trên thực tế việc giảm thuế và phí 2 năm qua không ảnh hưởng tổng thu ngân sách.

250520240705-67-8177.jpeg
Phiên thảo luận sáng 25-5: Ảnh: VIẾT CHUNG

Sáng 25-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về báo cáo của đoàn giám sát về “việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11-1-2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”.

Chính sách phải khả thi và đúng thời điểm

Thảo luận về báo cáo giám sát, các ý kiến đều cho rằng, việc ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 hết sức kịp thời, hợp lòng dân. Các chính sách đưa ra có tính chiến lược, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bổ sung nguồn lực lớn từ ngân sách nhà nước và các nguồn vốn huy động khác để thực hiện các chính sách an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, vực dậy cả cung và cầu của nền kinh tế; đã giúp Việt Nam không rơi vào tình trạng lạm phát như một số quốc gia…

Các ý kiến đồng tình đối với các dự án đang triển khai, cho phép kéo dài thời gian thực hiện nguồn vốn chương trình đến hết năm 2025 đối với các dự án có khả năng đến 2025 hoàn thành; phấn đấu đến ngày 31-12-2024 hoàn thành giải ngân vốn của chương trình đã được phân bổ, để đưa các dự án hoàn thành đi vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư vốn.

1.jpg
Các đại biểu dự phiên thảo luận sáng 25-5. Ảnh: VIẾT CHUNG

Các ý kiến cũng đồng tình với báo cáo giám sát đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế, chỉ rõ các nguyên nhân cả khách quan, chủ quan. Trong đó, có tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ trong thực thi công vụ dẫn đến giải quyết công việc chưa hiệu quả; một số doanh nghiệp thuộc đối tượng hỗ trợ nhưng có tâm lý e ngại thanh, kiểm tra, tăng chi phí, phát sinh thủ tục.

Song song đó, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn cụ thể một số chính sách còn chậm, quy định chưa rõ, chưa thống nhất dẫn đến lúng túng trong triển khai, tỷ lệ giải ngân thấp, một số chính sách chưa đạt mục tiêu đề ra…

“Vấn đề là những nguyên nhân này đã trở đi trở lại trong các báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội”, ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) phát biểu, đề nghị phải có giải pháp giải quyết căn cơ, không để ảnh hưởng đến sự phát triển chung.

ĐB Trần Quốc Tuấn cũng đề nghị ngay sau kỳ họp này, Quốc hội, Chính phủ phải tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận vốn vay cho doanh nghiệp, vì hiện nay, doanh nghiệp khó khăn nhất ở khâu này; tập trung nghiên cứu xem xét hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho 27 địa phương, bộ, ngành với 70 kiến nghị, được tổng hợp theo báo cáo của đoàn giám sát.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị.jpg
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị)

ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng, bài học quan trọng rút ra trong quá trình triển khai Nghị quyết 43 là chính sách phải khả thi và chọn đúng thời điểm, ví dụ chính sách giảm thuế VAT, gia hạn nộp thuế cho doanh nghiệp, giảm thuế xăng dầu… đều rất thiết thực, có hiệu quả. Trong khi đó, giải pháp hỗ trợ lãi suất 2% thì không hiệu quả, không đi vào cuộc sống.

Theo ông, chính sách kinh tế vĩ mô có đặc điểm quan trọng là phải chọn đúng thời điểm, “một chính sách đúng vào tháng 1 nhưng chưa chắc đã đúng vào tháng 3 khi diễn biến lạm phát, tăng trưởng đã khác”. Do đó, nếu tương lai lại có các gói hỗ trợ, phải cân nhắc rất kỹ về tính thời điểm để đưa chính sách vào cuộc sống.

ĐB cũng cho rằng, sự phối hợp giữa Chính phủ và Quốc hội là đặc biệt quan trọng, ví dụ chính sách giảm thuế VAT 2% lẽ ra có thể được điều chỉnh để giảm cho tất cả các mặt hàng từ 10% xuống 8%. Đối với chính sách giảm nộp thuế đến cuối năm 2024, nhiều ý kiến cũng đề nghị giảm thêm vài tháng sang năm 2025, đây là thời điểm “giáp hạt” đối với doanh nghiệp.

Theo ĐB Hà Sỹ Đồng, nếu gặp tình huống cần chính sách hỗ trợ, việc đầu tiên cần nghĩ đến là giảm thuế, tập trung một số ngành rất cụ thể. Ví dụ, vào thời điểm mới bắt đầu hết giãn cách, khôi phục các đường bay, nên tính đến giảm VAT hàng không về 0 hoặc giảm các loại phí và thuế khác, sẽ giúp ngành hàng không và các ngành khác phục hồi phát triển kinh tế nhanh hơn…

Kiến nghị xem xét chính sách thuế về thu nhập cá nhân

Đánh giá cao hiệu quả của chính sách giảm thuế VAT 2%, ĐB Mai Văn Hải (Thanh Hóa) đề nghị Quốc hội cân nhắc xem xét cho phép tiếp tục kéo dài thực hiện trong thời gian phù hợp. Đồng thời, xem xét tiếp tục mở rộng áp dụng một số cơ chế chính sách đặc thù không chỉ áp dụng cho các công trình quan trọng quốc gia, đường cao tốc, mà cả các công trình quan trọng khác của quốc gia, tỉnh.

ĐBMai Thanh Hải.jpg
ĐB Mai Văn Hải (Thanh Hóa)

ĐB Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) cũng cho rằng, cần tiếp tục các chính sách nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa, xem xét tiếp tục giảm một số thuế, phí, hỗ trợ doanh nghiệp để kích cầu, vì trên thực tế, việc giảm thuế và phí 2 năm qua, hầu như không ảnh hưởng tổng thu ngân sách. ĐB đánh giá cao việc Quốc hội cho ý kiến với Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 này, đồng thời kiến nghị xem xét chính sách thuế về thu nhập cá nhân để kích thích thị trường tiêu dùng, xem xét mức giảm trừ gia cảnh.

ĐB Đặng Thị Bích Ngọc (Hòa Bình) đề nghị Quốc hội xem xét kéo dài việc thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì, mở rộng việc làm và chương trình cho vay để mua, thuê mua nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội.

Tin cùng chuyên mục