Từng tia nắng tắt dần, bóng tối lấn át, đêm chuyển mình sâu hơn. Ngoài kia đèn đường bật sáng, đường phố tấp nập người xe. Một mình trên căn gác xép nhỏ, lắng lòng, con nghe khúc hát quê hương mà chạnh thương mẹ nghèo ngày đêm tần tảo, thương quê mình từ những bờ tre gốc rạ.
Câu quan họ gợi lại giọng bà năm xưa đánh thức trong con một miền cổ tích. Quê ta mùa này là mùa trẩy hội dập dìu câu ca người ơi người ở…
Trăng rằm hội quê ta sáng lắm. Trăng soi sáng đầu thuyền để cha đánh cá đêm khuya. Trăng lung linh lọt qua mắt lưới rơi đầy mặt nước cho chị cả, anh hai lưu luyến hát câu giã bạn mà vai áo ướt đầm. Câu ca ấy đã trở thành một phần máu thịt trong con tự thuở nào. Câu ca mà mỗi đêm đông gió lạnh mẹ hát ru con dưới mái tranh nghèo. Trong lời mẹ hát con thương cánh cò bay lả, cánh cò ăn đêm. Tiếng ầu ơ đưa con vào giấc ngủ yên lành tuổi thơ, đưa con đi để con làm cánh cò sải cánh bay cao trên khắp nẻo đường đời danh lợi.
Cuộc sống hối hả làm con có phần lãng quên khúc hát tha thiết tuổi thơ, con say mê nhạc rock, nhạc vũ trường mà đánh rơi khúc dân ca. Để giờ đây giật mình nhìn lại con chợt nhận ra rằng dù có đi hết cuộc đời cũng chưa chắc đã hiểu hết cái lẽ sâu xa của từng lời mẹ ru.
Câu ca đưa con về dòng sông hai bờ mướt xanh ngô lúa. Con sông đã bao đời ôm lấy làng quê, tưới mát ruộng đồng và tắm mát tuổi thơ con. Con nhớ mỗi chiều con lẽo đẽo theo mẹ ra sông gánh nước, nước sông trong mát cho chú bé ngây thơ ngắm mình. Nhớ dáng mẹ nghèo liêu xiêu trong mưa dông giữa hạ. Mẹ chẳng nón thúng quai thao, không áo tân thời mà suốt đời áo nâu vá víu.
Giờ con vắng nhà biền biệt, chắc mẹ buồn lắm mẹ ơi! Nơi phương Nam đầy nắng con nhớ mẹ khôn nguôi. Lắng nghe khúc dân ca quê mình mà con thấy ấm lòng trái tim xa xứ. Vắng con, xin mẹ đừng buồn vì lời mẹ khi xưa hát sẽ mãi theo con, như tấm lòng của mẹ.
PHẠM VĂN HỌC (Khoa Ngữ văn ĐH Quy Nhơn)
(SGGP thứ bảy)