Câu chuyện giống như cuốn nhật ký của một cô giáo song sự lôi cuốn của 400 trang sách “Đêm tối và ánh sáng” sẽ khiến người đọc khó có thể dứt ra. Torey Hayden, người viết cuốn sách là một giáo viên chuyên dạy những trẻ em bị rối loạn cảm xúc, và cô ấy đã kể về một trong những học trò đặc biệt của mình. Câu chuyện dành cho những người đã làm mẹ và những cô giáo đang dạy trẻ ở lứa tuổi thiếu nhi…
“Hayden hoàn toàn có thể trở thành một nhà văn giỏi, nhưng thật may cho chúng ta khi cô quyết định trở thành giáo viên của những trẻ em bị rối loạn và khiếm khuyết về mặt tâm thần” – đó là nhận xét của Washington Post Book World.
Còn New York Times thì cho rằng “Bạn sẽ phải thừa nhận với chúng tôi rằng đã từ lâu rồi chúng ta mới đọc được một cuốn sách mang lại cho ta nhiều cung bậc cảm xúc như cuốn “Đêm tối và ánh sáng” này”. Và Los Angeles Times thì: “Từng trang của cuốn sách này đã chứng minh cho ta thấy tình yêu và sự kiên cường đã làm nên điều kỳ diệu của cuộc sống”.
Với bất cứ ai đã là mẹ, sau khi đọc cuốn sách này, chắc chắn sẽ cảm nhận được một điều: con mình luôn cần sự yêu thương, bảo vệ nhiều hơn nữa. Họ cũng sẽ rút ra được những bài học trong cách yêu thương, giáo dục và bảo vệ con. Thậm chí cả những ông bố, rồi cũng sẽ dè dặt hơn trong những quyết định của chính mình nếu điều đó làm tổn thương đến tâm hồn con cái.
“Lớp học cá biệt” mà cô Torey dạy được cô trìu mến gọi bằng cái tên “lớp học dành cho những sinh linh nhỏ bé bị chối bỏ”. Đó là Peter, 8 tuổi, bị bất ổn về thần kinh, thường co giật nghiêm trọng và có những hành vi bạo lực. Là Tyler cũng 8 tuổi, đã 2 lần tự sát. Là Max, 6 tuổi, mắc chứng tự kỷ bẩm sinh, thường “la khóc, kêu quàng quạc và vỗ tay lượn vòng khắp phòng”...
Nhưng nhân vật trung tâm của câu chuyện, người xuất hiện cuối cùng, đó là cô bé Sheila, 6 tuổi rưỡi. “Thành tích” của cô bé này là bắt cóc cậu bé 3 tuổi, con hàng xóm, cột vào gốc cây và thiêu cậu bé… Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả, những “thành tích” tiếp theo của Sheila sẽ còn khiến người đọc phát khiếp.
Ngày đầu tiên đến lớp, cô bé 6 tuổi rưỡi này đã gây nên sự náo loạn cho cả ngôi trường. “...Hình như con bé bắt từng con cá vàng lên và dùng bút chì chọc vào mắt chúng. Bảy tám con nằm giãy đành đạch dưới sàn nhà quanh chiếc ghế, cặp mắt bị phá hỏng. Sheila tóm chặt một con trong bàn tay phải và tay kia cầm cây viết chì đứng lầm lì đầy đe dọa”.
Đó chỉ là sự khởi đầu cho một chuỗi những sự kiện tiếp theo của một cô bé mới hơn 6 tuổi. Độc giả bị cuốn vào những tình tiết của câu chuyện và trải qua mọi cung bậc cảm xúc chỉ với hai nhân vật: cô giáo Hayden và cô bé Sheila.
Những trang viết miêu tả cô bé, quá trình hòa nhập với cuộc sống của cô bé, tình thương, sự kiên nhẫn và phương pháp tâm lý tuyệt vời của cô giáo Hayden. Đó là những trang viết đầy màu sắc, sống động và hiện thực. Tất cả đều ấn tượng, song ấn tượng nhất là trang viết miêu tả việc cô bé bị hãm hiếp bởi người chú ruột, một sự ám ảnh tột bậc. Độc giả sẽ tìm thấy trong trang viết này sự phẫn uất, nỗi đau đớn, xót xa của chính mình.
Một cô bé đáng lý sẽ là kẻ bỏ đi, sẽ tàn lụi như đêm tối, sẽ trở thành một kẻ tâm thần bị nhốt trong bệnh viện, đã được một cô giáo trẻ với tất cả tình thương yêu của mình cứu vớt. Câu chuyện kết thúc bằng việc cô bé đã tự học được cách kiểm soát hành động, tình cảm của chính mình và được gửi tới học ở một lớp học bình thường.
Tuy nhiên, bất cứ ai đọc cuốn sách sẽ tin tưởng chuyện không dừng lại ở đó, tương lai của cô bé chắc chắn sẽ tốt đẹp bởi vì em đã được cứu vớt, và bởi vì em vốn là một đứa trẻ cực kỳ thông minh, cực kỳ đáng yêu. Và để rồi, không ai là không ước mơ giá như trên đời có thật nhiều cô Torey thì chắc hẳn cuộc sống sẽ bớt đi nhiều những đứa trẻ bất hạnh.
Và ngay tại Việt Nam, dường như vẫn còn những cô bé như Sheila?
* Tựa gốc One child do NXB Tổng hợp TPHCM ấn hành.
Hà Giang