
Mỗi chiều từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần, đạo diễn Nhật Bản Ippei Yuuki lại có mặt tại Trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh TPHCM tập từng động tác cho sinh viên diễn vở kịch “Hạc chiều” của tác giả Kinoshita Junji. Ông có 10 năm theo học kịch nói tại Trung tâm Nghiên cứu kịch nói Nhật Bản, 50 năm kinh nghiệm dàn dựng sân khấu và là người thành lập đoàn kịch Saigei...
- PV: Ông đến Việt Nam lần đầu khi nào và điều gì ở Việt Nam gây ấn tượng với ông nhất?
- Đạo diễn IPPEI YUUKI: Lần đầu tiên tôi đến Việt Nam vào năm 2002. Đối với tôi, người phụ nữ Việt Nam hiền lành, đôn hậu và có chút e thẹn thật đáng yêu. Nhiều lần tôi thấy hình ảnh những đàn bồ câu, đàn chim bay lượn thật thơ mộng giữa thành phố đông đúc. Ở Nhật chỉ có tuyết rơi chứ tôi chưa từng chứng kiến những đàn chim tung bay trong thành phố. Cho nên khi về Nhật tôi cứ nhớ mãi những hình ảnh đẹp ấy và mong ước sớm được quay lại.

Đạo diễn Nhật Ippei Yuuki (phải) hướng dẫn diễn viên Xuân Thùy trong vở “Hạc chiều”.
- Và ông đã trở lại Việt Nam, mang theo vở “Hạc chiều” dàn dựng cho sinh viên Việt Nam? Ông sẽ dựng theo bản gốc với những cảnh tuyết rơi và thời gian tập với diễn viên gần 3 tháng?
- Sau lần đến Việt Nam, tôi về Nhật vận động tìm kinh phí khắp nơi trở lại Việt Nam dựng kịch, nhưng vô vọng. Tôi yêu mến Việt Nam vì lịch sử chống Mỹ hào hùng của các bạn. Đến một lần, tôi nhớ mãi Việt Nam và muốn làm một điều gì đó với đất nước tôi yêu mến, nên tôi tự bỏ tiền túi của mình để dàn dựng.
Vở “Hạc chiều” của tác giả Kinoshita Junji tuy đã được dựng rất nhiều lần, ở nhiều quốc gia, nhưng lần này dựng cho sinh viên Việt Nam tôi chọn bản gốc, có cả những cảnh tuyết rơi.
Tôi đang nhờ bạn bè ở Nhật mua 10 kg giấy màu trắng giống hệt tuyết thật gởi sang Việt Nam để hỗ trợ cho những cảnh này. Tôi cũng dự định làm một sân khấu phía dưới chứa nước đá để diễn viên diễn những cảnh này bằng cảm giác… lạnh thật sự! Vở này tôi sẽ tập suốt cùng các diễn viên cho đến tháng 2 và Tết này sẽ ăn Tết tại Việt Nam, đến khi xong việc mới trở về Nhật.
- Trang phục diễn viên diễn vở “Hạc chiều” cũng được ông mang từ Nhật sang?
- Tôi mời bạn bè ở Nhật sang “đo ni” cho các diễn viên Việt Nam. Họ đã về Nhật để cắt may những bộ trang phục này, đến tháng 2-2005 sẽ hoàn tất, để diễn viên mặc ra mắt vở kịch vào ngày 20-2-2005.
- Sau vở “Hạc chiều” ông có dự tính dựng tiếp vở nào khác? Ông có nghĩ sẽ mời diễn viên Nhật sang cùng diễn với diễn viên Việt Nam?
- Tôi sẽ tiếp tục dựng kịch cho sinh viên Việt Nam. Tôi muốn truyền đạt những kinh nghiệm dàn dựng, biểu diễn của mình đến sân khấu Việt Nam. Tôi có rất nhiều dự tính nhưng chưa biết có hoàn thành được không. Tôi cũng đang tính đến vở thứ hai có tên 22 ngày đêm chờ đợi cũng của tác giả Kinoshita Junji và sẽ mời một vài diễn viên kịch nói của Nhật sang tập, diễn cùng diễn viên Việt Nam. Nếu mọi việc tốt đẹp, tôi còn mong muốn được mở Trung tâm đào tạo nghệ thuật tại Việt Nam.
- Trước khi đến Việt Nam dựng kịch, ông có bao giờ xem kịch Việt Nam?
- Ở Nhật, tôi chưa hề được xem kịch hay phim Việt Nam, tôi chỉ biết Việt Nam qua những quyển sách nói về cuộc chiến tranh ở Việt Nam mà thôi. Khi sang Việt Nam, tôi có đến xem kịch một lần ở IDECAF và thấy diễn viên Việt Nam diễn rất hay.
Tuy nhiên có những cảnh không biết vì tập tục văn hóa khác nhau hay không mà tôi chưa đồng cảm lắm. Diễn viên Nhật thường diễn bằng nội tâm, nhẹ nhàng còn diễn viên Việt Nam diễn sôi động, ồn ào hơn. Một điều khiến tôi cũng ngạc nhiên là ở sân khấu Việt Nam, các diễn viên phải sử dụng micro gắn trước ngực để nói lớn, thật bất tiện khi cảnh hai người đứng gần nhau, ôm nhau thì tiếng nói bị trục trặc, ngắt quãng làm khán giả rất khó chịu…
- Ở Nhật ông biết Việt Nam qua những quyển sách viết về cuộc chiến tranh Việt Nam, vậy gần đây ông có biết Việt Nam cùng nhiều tổ chức nhân đạo khác tổ chức ký tên, quyên góp ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam?
- Chính những hình ảnh dũng cảm, đoàn kết của nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh đã cuốn hút tôi đến đây tìm hiểu. Còn chuyện Việt Nam tổ chức ký tên, quyên góp ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam, tôi chưa hề nghe đến. Nếu có việc này và nếu được phép, tôi xin in 4.000 tờ chương trình vở “Hạc chiều” vận động ký tên vào đấy ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam.
ĐỖ HẠNH