Đến nhà dân giải quyết chính sách có công

TPHCM vẫn tồn đọng không ít hồ sơ giải quyết chính sách có công, nhất là những người không còn hồ sơ gốc. Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Minh Tấn vừa yêu cầu cán bộ chính sách đến tận nhà dân, lắng nghe từng trường hợp, giúp dân làm hồ sơ để giải quyết dứt điểm chế độ chính sách có công.
Cán bộ Sở LĐTB-XH TPHCM tới quận, huyện trực tiếp gặp dân để giải quyết dứt điểm về chính sách có công
Cán bộ Sở LĐTB-XH TPHCM tới quận, huyện trực tiếp gặp dân để giải quyết dứt điểm về chính sách có công
Khắc khoải hưởng chính sách

Dù TPHCM liên tục có các đợt làm mạnh, giải quyết rốt ráo chế độ chính sách có công, song đến nay vẫn còn hồ sơ tồn đọng, nhất là với người không còn hồ sơ gốc. Đa số người chưa được hưởng chính sách đã lớn tuổi, đi lại khó khăn, luôn khắc khoải ngày được hưởng chính sách - được nhìn nhận thỏa đáng - cho những hy sinh, cống hiến thời tuổi trẻ, lúc đất nước còn chiến tranh.

Ông Phạm Tiến Bảy (ngụ quận 12) cho hay, trong thời gian  chiến tranh biên giới Tây Nam, bà xã ông Bảy có đi tải thương, phục vụ biên giới vào năm 1979. Sau đó, bà ở nhà làm nội trợ và đến giờ vẫn không rõ có được hưởng chế độ chính sách gì cho những ngày đi tải thương trước đây hay không? Trong khi đó, ông Võ Hạng (ngụ quận 3), từng hoạt động nội thành Sài Gòn - Gia Định vào năm 1956. Đến năm 1961, cả tổ 20 người gồm ông Hạng bị bắt giam 13 tháng. Ông Võ Hạng băn khoăn thời gian mình và đồng đội bị tù đày như vậy thì có được hưởng chính sách gì? 

Nhiều người bị nhiễm chất độc hóa học cũng trăn trở về chế độ chính sách. Ông Trần Ngọc Vân (ngụ xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè) chia sẻ, ông có thời gian tham gia kháng chiến từ năm 1967 đến ngày đất nước giải phóng. Thời gian đó, ông Vân hoạt động tại vùng do quân đội Mỹ thường xuyên rải chất độc hóa học. Hiện nay, ông Vân đang mang nhiều căn bệnh như: lao phổi tắc nghẽn mạn tính; viêm phế quản mạn tính; tăng tiền liệt tuyến, tâm thần phân liệt; dị dạng mặt… gây khó chịu, điều trị không khỏi.

“Những căn bệnh trên có phải là do nhiễm chất độc hóa học gây ra hay không Và có cần phải đi giám định để được hưởng chế độ người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học hay không?”, ông Vân trăn trở.

Tương tự, ông Nguyễn Ba Nhất (ngụ quận 5) cho hay, từ năm 1967 đến ngày giải phóng, ông từng chiến đấu tại 6 địa bàn: Bình Long, Phước Long, Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Củ Chi và 3 tỉnh ở Campuchia. Suốt thời gian qua, ông Nhất mang nhiều bệnh nhưng không có bệnh nào nằm trong số 17 bệnh theo danh mục bệnh tật do Bộ Y tế ban hành. Ông Nhất băn khoăn không rõ mình có thể được hưởng chế độ phơi nhiễm chất độc hóa học không? 

Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Huỳnh Thanh Khiết cho hay, một trở ngại trong việc giải quyết chính sách với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học là danh mục bệnh do Bộ Y tế ban hành gồm 17 bệnh, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học. Tuy nhiên, nhiều người tham gia kháng chiến trong vùng bị quân đội Mỹ rải chất độc hóa học, hiện nay mắc nhiều bệnh, nhưng không được giải quyết chính sách chỉ vì bệnh đó không nằm trong 17 danh mục bệnh.

Điều đó khiến nhiều người tâm tư. Một trở ngại nữa về giấy tờ, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Huỳnh Thanh Khiết lý giải, theo quy định, một trong những giấy tờ chứng minh thời gian tham gia hoạt động kháng chiến tại vùng mà quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học là: quyết định phục viên, xuất ngũ; giấy chuyển thương, chuyển viện, giấy điều trị; giấy tờ khác được lập từ ngày 30-4-1975 trở về trước...

Thế nhưng, một số trường hợp có các giấy tờ gốc như lý lịch đảng viên, quyết định hưu trí lại chỉ khai phiên hiệu trong quân đội, không xác định được đơn vị cụ thể, thời gian, địa bàn hoạt động. Do đó, công tác thẩm định, xét duyệt hồ sơ cũng khó khăn, kéo dài. 

Với người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, hồ sơ cần có: lý lịch cán bộ, lý lịch đảng viên (lập từ năm 1995 trở về trước); hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) có xác định nơi bị tù, thời gian bị tù.

“Quy định trên dẫn đến việc không có cơ sở giải quyết cho một số trường hợp do thời gian đã quá lâu, lớn tuổi, hoặc đã nghỉ việc sau ngày đất nước thống nhất, vì không còn lưu giữ bất cứ giấy tờ gì chứng minh việc bị địch bắt tù”, ông Huỳnh Thanh Khiết chia sẻ và cho biết thêm, thời gian qua, bên cạnh số hồ sơ đủ điều kiện đã được thẩm định giải quyết, sở đã tiếp nhận 822 hồ sơ chỉ có bản khai, không có giấy tờ gốc.

Nhờ sự hỗ trợ của ngành công an bằng cách trích lục tàng thư, đến nay đã giải quyết được 569 hồ sơ hưởng trợ cấp hàng tháng; số còn lại 253 hồ sơ, người dân khai có bị địch bắt tù nhưng không còn giấy tờ gốc và không có hồ sơ lưu trữ trong tàng thư. 

Phải trả lời rõ ràng: ai được, ai không

Lý giải tình trạng tại sao không có hồ sơ gốc trong tàng thư, Thượng tá Đinh Hồng Phong, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ quản lý hồ sơ Công an TPHCM, cho biết hệ thống hồ sơ, đặc biệt là hồ sơ tù đày, sau ngày 30-4-1975 thu được tương đối nhiều.

Tuy nhiên, do chiến tranh - có hồ sơ đầy đủ, hồ sơ không đầy đủ - nên vẫn có tình trạng bạn ở tù với nhau có xác nhận người đó có ở tù, nhưng hồ sơ trong ngành công an lại không có, không thể hiện thời gian ở tù; hoặc, cùng ở tù với nhau, người có hồ sơ, người không. Hơn nữa, hầu hết người tham gia cách mạng đều khai báo tên giả, năm sinh, quê quán giả.

“Bây giờ để làm rõ ra thân phận của người thật, cần lấy dấu vân tay. Và để làm công tác chính sách có công tốt hơn, ngành LĐTB-XH nên phối hợp với Ban Tổ chức quận ủy, huyện ủy bởi nơi đây có nhiều hồ sơ, thông tin”, Thượng tá Đinh Hồng Phong đề nghị, đồng thời cam kết bộ phận hồ sơ nghiệp vụ ngành công an sẽ nhiệt tình tham gia giải quyết. 

Thượng tá Trương Xuân Vũ, Cục Hồ sơ nghiệp vụ (Bộ Công an), đề nghị người làm hồ sơ cần cung cấp đầy đủ họ tên, bí danh, tên khác, cho biết cả tên giả từng dùng; họ tên cha mẹ, ngày tháng năm sinh, quê quán, nơi thường trú…, càng chi tiết càng có cơ sở tra cứu hồ sơ. Thượng tá Trương Xuân Vũ cho rằng, hồ sơ chỉ là một căn cứ, nếu chỉ căn cứ vào hồ sơ để giải quyết chính sách thì không đầy đủ, nên ngành LĐTB-XH cần chuẩn bị các cách khác để đối chiếu, giải quyết chính sách cho người dân.

Trước sự khắc khoải của người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Minh Tấn cho hay, với người bị bắt tù đày, sở và các đơn vị liên quan sẽ phối hợp, cử cán bộ đến các địa phương, đến từng nhà đối tượng để nắm kỹ lại từng hoàn cảnh, phân loại và giải quyết dứt điểm các hồ sơ trước 30-6-2019.

Với hồ sơ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, sở phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quân đội xác minh, giải mã các phiên hiệu quân đội và địa bàn hoạt động, để có cơ sở giải quyết chính sách cho người có công.

Sở tiếp tục mở các ngày hội gia đình chính sách để trực tiếp nhận hồ sơ, kịp thời tháo gỡ vướng mắc. “Trong năm nay, ai được, ai không, sở sẽ trả lời rõ ràng, dứt điểm, không để người dân phải khắc khoải đợi chờ”, ông Lê Minh Tấn cam kết.

TPHCM hiện có 277.000 người hưởng chính sách có công (có hơn 44.000 người hưởng chính sách hàng tháng). Trong đó, có hơn 51.000 liệt sĩ, gần 5.400 mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 30.000 thương bệnh binh, gần 11.000 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, hơn 6.600 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học…

Tin cùng chuyên mục