
Đoàn VN gồm hơn 70 người vừa trở về từ Hội chợ Phim điện ảnh và truyền hình quốc tế (Hongkong Filmart) 2006. Lần thứ 5 gian hàng của VN có mặt tại hội chợ nhưng đây là lần đầu tiên các nhà làm phim VN đi chợ đúng nghĩa chứ không phải chỉ đi tham quan và tìm hiểu thị trường!
Nếu như các năm trước chỉ một vài nhà làm phim tư nhân đến hội chợ để “ngó nghiêng” thì năm nay, số người của các hãng phim tư nhân chiếm gần nửa số các thành viên của đoàn VN: Hãng phim Lý Huỳnh (10 người), Hãng Phước Sang cũng với số người tương đương. 5 người của Phương Nam Film. Rồi người của Đất Việt, Galaxy…

Nét nổi bật của đoàn VN trong hội chợ năm nay không chỉ là sự hiện diện của nhiều nhà làm phim tư nhân mà có không khí “đi chợ” thật sự. Các nhà làm phim tư nhân mang sản phẩm của mình đến chào bán, mang tiền đi mua bản quyền phim và tìm kiếm cơ hội hợp tác làm phim trên nhiều khía cạnh.
Tập đoàn Truyền thông Việt Nam (Vietnam Media Coproration) được các đơn vị trong nước ủy thác giao dịch để bán bản quyền các bộ phim sản xuất trong nước đều đặn có mặt nhiều năm liền tại hội chợ này. Năm nay, ngoài gian hàng của mình, tập đoàn đảm nhận cả việc trang trí và sắp đặt gian hàng của Hội Điện ảnh VN ở cạnh bên.
Chị Ngô Thị Bích Hạnh, Giám đốc BHD (công ty mẹ của Vietnam Media Cop), trực tiếp phụ trách mảng phát hành phim trong và ngoài nước của BHD là người thường xuyên tham dự hội chợ, cho biết phim VN không “nóng” đến mức khiến các đối tác sốt sắng đặt bút ký hợp đồng mua bản quyền ngay lập tức khi vừa xem xong trailer (trích đoạn phim) hoặc các tờ rơi quảng cáo… Vì vậy, phần nhiều là các thỏa thuận ghi nhớ giữa các bên để chuẩn bị cho việc mua bán chính thức sau này hoặc tìm hiểu đối tác, tạo thành các đầu mối, thiết lập quan hệ với nhau...
Các bộ phim truyện nhựa như Đường thư, Chiến dịch trái tim bên phải… được các kênh truyền hình đặt vấn đề mua bản quyền phát sóng. Áo lụa Hà Đông tiếp tục được các hãng phát hành đặt vấn đề mua bản quyền sau khi đã có nhiều hợp đồng chính thức được ký kết tại các hội chợ trước đây. Đẻ mướn được “gia công” hoàn chỉnh, gồm phần phụ đề tiếng Anh và phần quảng cáo bằng nhiều thứ tiếng được chiếu liên tục tại gian hàng của Việt Nam tại hội chợ nên được khá nhiều đối tác để mắt tới.
Không chỉ ở Hongkong Filmart, thị trường mua bán bản quyền các sản phẩm điện ảnh và hợp tác làm phim vẫn diễn ra nhộn nhịp tại nhiều hội chợ phim hàng năm trên thế giới. Rất tiếc, mới chỉ có Công ty BHD sốt sắng với việc này và vì thế, nhiều cơ hội của phim VN bước ra thị trường quốc tế còn bỏ ngỏ…