
Theo kế hoạch, ngày 15-5, TPHCM sẽ thực hiện việc di dời 300 hộ tiểu thương từ các chợ đầu mối nông sản thực phẩm nội thành còn lại ra các chợ đầu mối được xây dựng mới ở ngoại thành. Công tác chuẩn bị đã vào giai đoạn nước rút. Ngày 9-5, có mặt tại chợ gạo Trần Chánh Chiếu - chợ có số lượng tiểu thương phải di dời nhiều nhất, chúng tôi nhận thấy hầu hết tiểu thương đã chuẩn bị sẵn tinh thần để chuyển đến chợ đầu mối Bình Điền.
Song, cũng có khá nhiều tiểu thương nói với chúng tôi trong nước mắt: Ngày di dời đã rất cận kề nhưng giai đoạn 2 của công trình xây dựng nhà lồng nông sản thực phẩm chợ Bình Điền vẫn còn ngổn ngang, chưa đâu vào đâu. Liệu các sở, ngành chức năng có ép chúng tôi di dời sớm quá để lấy thành tích không? Đó là chưa kể cách thiết kế các ô sạp không phù hợp với đặc thù kinh doanh của mặt hàng gạo.

Đường vào khu vực nhà lồng chợ gạo và thịt heo còn ngổn ngang đất, đá. Ảnh: C.T.V.
Từ phản ánh của tiểu thương, chúng tôi đã ngược xuống chợ Bình Điền để kiểm chứng. Quả không sai. Khu vực nhà lồng chính thứ ba (bán gạo và thịt gia súc gia cầm) của chợ Bình Điền có khá nhiều vấn đề. Việc ngăn chia các ô sạp bằng một đường sơn, xung quanh chỉ có bốn trụ sắt.
Trong khi đó, kinh doanh gạo lại rất cần những điểm tựa để chất những cây gạo, nếu không cẩn thận sẽ bị đổ, gây chết người như chơi! Lối vào khu nhà lồng này cũng chưa có. Con đường chính vào chợ hiện vẫn là đường đất, bùn lầy lồi lõm. Đường nội bộ xung quanh nhà lồng chợ cũng ngổn ngang đất đá. Trên thực tế, việc xây dựng một con đường ở chợ đầu mối đòi hỏi rất nhiều yếu tố về kỹ thuật thì mới đảm bảo cho các xe tải nặng ra vào dễ dàng.
Khu vực nhà kho chứa gạo cũng được thiết kế khá… khôi hài. Đó là một dãy nhà dài ngoằng nhưng bề ngang thì chỉ rộng chừng 5m. Mặt tường xây đến thắt lưng, phía trước và sau trống hoác, mái che thì cụt ngủn… Nếu không có người bảo đây là nhà kho thì sẽ chẳng có ai biết được vì nếu nhìn vào nhiều người cứ tưởng đó là nhà… giữ xe! Nền kho lại thấp hơn mặt đường nội bộ (do chưa tráng nhựa), vì vậy nước có thể chảy vào kho khi trời mưa. Đó là chưa kể phần “nội y” của kho chứa gạo cũng còn nhiều điều đáng bàn. Nhiều tiểu thương cho biết, họ không thể an tâm khi đưa gạo vào chất trong một cái kho như thế bởi “đồng tiền đi liền khúc ruột”.
Để đảm bảo cho việc kinh doanh không bị gián đoạn trước “giờ G”, nhiều tiểu thương của chợ Trần Chánh Chiếu đã ráo riết đi tìm điểm bán khác ngay trong nội thành TP. Họ cho rằng mặt bằng của chợ Bình Điền hiện nay không đáp ứng cho việc bán buôn mặt hàng gạo….
Với những gì đã ghi nhận, chúng tôi có thể khẳng định, những đề xuất của tiểu thương đối với công ty chợ Bình Điền là hoàn toàn xác đáng. Và với một khối lượng công việc còn ngổn ngang như nêu trên, các chủ đầu tư sẽ khó mà hoàn thành vào đúng ngày 15-5. Chúng ta di dời chợ nhưng tất cả vẫn chưa sẵn sàng thì hiệu quả mang lại sẽ khó được như mong muốn. Một chủ trương đúng, được người dân đồng tình ủng hộ, nhưng nếu chúng ta không đảm bảo lợi ích liên quan của các bên cũng như thời điểm thực hiện không phù hợp thì hậu quả sẽ khó lường! Đây là vấn đề cần được thành phố và các sở, ngành xem xét.
Chiều 9-5, Ban quản lý chợ Trần Chánh Chiếu cũng đã làm việc với Công ty Quản lý kinh doanh và khai thác chợ Bình Điền để bàn bạc và thống nhất các hạng mục xây dựng nhà lồng theo nguyện vọng của tiểu thương. Ông Nguyễn Chí Trung, Phó ban quản lý chợ Trần Chánh Chiếu, cho biết, có 4 vấn đề được đặt ra tại cuộc họp. Một là, chủ đầu tư phải thiết kế lại nhà kho cho phù hợp với thực tiễn kinh doanh. Hai, lối vào nhà kho phải có bậc dốc để thuận tiện cho việc đưa gạo ra vào. Ba, phải hoàn chỉnh khu vực đường nội bộ để đảm bảo cho các xe tải ra vào an toàn. Bốn, trong khu vực nhà lồng buộc phải có vách ngăn để đảm bảo an toàn về hàng hóa và những vấn đề liên quan. Theo ông Trung: “Cách thiết kế nhà lồng theo kiểu “không gian mở” hoàn toàn không phù hợp với đặc tính kinh doanh gạo. Chúng tôi cũng rất mong chủ đầu tư xem xét và cân nhắc những kiến nghị của tiểu thương để họ an tâm về nơi kinh doanh mới”. |
Đoàn Nguyễn