Ở TPHCM, mỗi khi nhắc đến địa đạo là người ta thường nghĩ ngay đến địa đạo Củ Chi chứ ít ai biết còn có một địa đạo khác có giá trị lịch sử và vai trò quan trọng trong công cuộc kháng chiến trước đây, nằm ngay trong lòng TP – đó là địa đạo Phú Thọ Hòa.
Địa đạo Phú Thọ Hòa hiện ở số 139 đường Phú Thọ Hòa (phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú), được xây dựng từ năm 1947 tại ấp Lộc Hòa - vốn là vùng đất cao, nhiều cây rậm và địa hình phức tạp.
Với chiều dài đường chim bay hơn 1km, địa đạo là nơi để cán bộ và lực lượng vũ trang bám đất, bám dân, nắm vững địa bàn hoạt động và ém quân, làm bàn đạp tiến công vào thành phố. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nơi đây từng nhiều lần là khởi điểm của những trận xuất kích gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề mà tiêu biểu là hai lần đánh vào kho bom Phú Thọ (lần đầu vào ngày 31-8-1952 và lần thứ hai vào ngày 1-6-1954), phá hủy hàng ngàn tấn bom đạn, đốt cháy hàng triệu lít xăng dầu…
Có thể nói, địa đạo Phú Thọ Hòa là minh chứng cho tinh thần và ý chí sắt son của người dân với cách mạng. Năm 1996, nơi đây đã được Bộ Văn hóa - Thông tin cấp bằng công nhận là “Di tích lịch sử cấp quốc gia”.
Thế nhưng, nếu như địa đạo Củ Chi thu hút rất đông khách trong lẫn ngoài nước tham quan mỗi ngày thì ở địa đạo Phú Thọ Hòa lại vắng lặng. Thỉnh thoảng chỉ có một vài cuộc họp mặt cựu chiến binh, sinh hoạt đoàn, đội hay các buổi tham quan nhằm giáo dục truyền thống cho các em học sinh của một số trường trong quận. Điều này một phần do khu di tích chưa có nhiều người biết đến (kể cả nhiều người dân trong quận), một phần do tình trạng xuống cấp và hiện vật trưng bày nghèo nàn.
Ông Ngô Văn Chung, Trưởng phòng Truyền thống quận Tân Phú, kiêm quản lý Khu di tích lịch sử quốc gia địa đạo Phú Thọ Hòa, thừa nhận: “Với tình trạng xuống cấp và đơn điệu hiện nay tại khu di tích rất khó lòng thu hút khách tham quan cũng như phát huy công năng phục vụ và giá trị lịch sử”.
Với giá trị lịch sử cũng như vai trò quan trọng trong công cuộc kháng chiến trước đây và giáo dục truyền thống hiện nay, địa đạo Phú Thọ Hòa hoàn toàn có thể tôn tạo để trở thành khu di tích lịch sử - văn hóa - du lịch, thành điểm đến thu hút khách tham quan trong nước và quốc tế.
Để làm được điều này, đòi hỏi phải có sự quan tâm, đầu tư tôn tạo từ phía các cấp, các ngành quản lý, như trồng thêm cây xanh để tái tạo lại cảnh quan như xưa; xây dựng tượng đài, nhà bia tưởng niệm để khi đến đây, mọi người có nơi thắp nén nhang tưởng nhớ vong linh các liệt sĩ đã hy sinh; nâng cấp hệ thống chiếu sáng địa đạo nhằm tạo thuận tiện cho khách tham quan khi chui hầm; tăng cường quảng bá để nhiều người biết đến… Làm được như vậy, địa đạo Phú Thọ Hòa sẽ phát huy được vai trò giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau và có thể tạo được nguồn thu nhằm phục vụ trở lại cho hoạt động trùng tu, tôn tạo trong các giai đoạn tiếp theo.
Thanh Phúc