Đích đến bất biến của văn học nghệ thuật là tính nhân văn

Ngày 27-12, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức Hội thảo “Xu hướng vận động của văn học, nghệ thuật tại TPHCM hiện nay và định hướng phát triển”. Hội thảo nhằm đánh giá kết quả của một giai đoạn vận động quan trọng về hoạt động VHNT tại TPHCM trong môi trường, điều kiện mới mẻ, phong phú, phức tạp và chưa có tiền lệ. 

Hai mặt vấn đề từ cú hích xã hội hóa

Đánh giá về vai trò của VHNT tại TPHCM, bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM nhận định, những năm đất nước chuyển mình theo đường lối đổi mới, nhờ đẩy mạnh xã hội hóa (XHH), các loại hình VHNT có bước phát triển đáng kể, sản phẩm văn hóa phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu công chúng.

Tiếp đó, xu thế hội nhập quốc tế và khoa học công nghệ đã giúp sức cho VHNT phát triển. Tuy nhiên, xu hướng thương mại hóa trong VHNT và tác động của các trào lưu văn hóa nước ngoài đặt ra nhiều bất cập.

Thực tế cho thấy, không ít loại hình nghệ thuật đang gặp nhiều khó khăn, tác phẩm VHNT mang tính tư tưởng thẩm mỹ cao thì ít, làng nhàng thì rất nhiều. Đáng lo hơn, văn hóa phẩm độc hại vẫn xâm nhập vào xã hội và gia đình, trong khi sự chủ động ứng phó trên mặt trận này nhìn chung còn lúng túng, chưa tương xứng. 

Theo TS Mã Thanh Cao, nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, với lợi thế quy tụ văn nghệ sĩ từ nhiều nguồn trong cả nước, các loại hình nghệ thuật phong phú, giao lưu sôi động trong và ngoài nước, bước đầu hình thành thị trường tranh nghệ thuật… đã khiến đời sống mỹ thuật TP khởi sắc.

Tuy nhiên, thực tế cũng đặt ra những vấn đề cần quan tâm như giáo dục thẩm mỹ thiếu căn bản, còn mang tính hình thức, giá tranh tuy có cao trên trường quốc tế nhưng giá trị thật chưa tương xứng. Cần tăng cường các chương trình đối thoại VHNT trên sóng truyền hình thay vì để các game show vô bổ phủ sóng dày đặc như hiện nay. 

Đích đến bất biến của văn học nghệ thuật là tính nhân văn ảnh 1 Khách nước ngoài tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TPHCM

Ở một góc độ khác, PGS-TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm, nguyên Phó Giám đốc Nhạc viện TPHCM, đặt ra vấn đề đáng lo ngại trong phát triển âm nhạc hiện nay. Nhờ công nghệ phát triển, người ta dễ dàng “sáng tác”, “biểu diễn”, “phổ biến” cho công chúng chỉ bằng vài cú nhấp chuột. Chính công nghệ đã tham gia “làm giả” nghệ thuật!

Cũng giống như vậy, đạo diễn Hoàng Duẩn chia sẻ, công nghệ vừa lợi, vừa hại - là con dao hai lưỡi khi nghệ sĩ không còn gắn bó với sàn diễn, ngược lại có người bỗng dưng nổi tiếng nhờ… điện thoại thông minh, nhờ phát ngôn gây sốc, nhờ hàng triệu lượt xem, dẫn đến những cái nhìn lệch chuẩn trong giới trẻ về thần tượng, ngôi sao. 

“Hơn 20 năm qua, khi chủ trương XHH ra đời đã mang đến một luồng gió mới, khích lệ sự sáng tạo của văn nghệ sĩ TP, rõ rệt nhất phải nói đến sân khấu kịch nói”, PGS-TS Trần Yến Chi (Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TPHCM) nhìn nhận.

Có những tên tuổi kịch nói đã trở thành thương hiệu của VHNT TP. Thế nhưng, hiện nay, nhiều sân khấu kịch đang phải đối mặt với nguy cơ đóng cửa vì thiếu cơ sở vật chất, chi phí thuê không đủ trang trải. Thâm niên nhất như IDECAF trước từng diễn 40 suất/tháng, nhưng hiện giờ chỉ còn 12 suất/tháng… Vấn đề này cần phải được nghiêm túc đánh giá. 

Cần sự đầu tư xứng tầm

Theo PGS-TS Trần Luân Kim, nguyên Chủ tịch Hội điện ảnh TPHCM, riêng điện ảnh đã gặp khủng hoảng với xã hội hóa. Phim tư nhân phát triển, góp phần giáo dục thẩm mỹ cho công chúng nhưng phim chất lượng, giá trị giáo dục còn quá ít, nhiều đơn vị còn dễ dãi vì câu khách, đua doanh thu.

“Phải có chính sách quy hoạch dài hạn. TP cũng nên xây dựng một trung tâm văn hóa hiện đại, vừa có nhà hát, rạp phim, sân khấu, phim trường kết hợp du lịch”, ông bày tỏ. 

"Đích đến bất biến của tác phẩm văn hóa, nghệ thuật luôn là giá trị nhân văn, giúp con người vươn đến chân - thiện - mỹ. Điều đó giúp chúng ta tiến gần hơn tới mục tiêu văn hóa nghệ thuật của chúng ta, đồng thời cũng tiến gần hơn với những tiến bộ của văn học nghệ thuật đương đại thế giới"
- Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM 
Dương Thế Trung
TPHCM được đánh giá là địa phương có đầu tư, có cơ chế chính sách, quan tâm xây dựng cơ sở vật chất và duy trì giải thưởng sáng tác VHNT, nhưng bấy nhiêu chưa đủ để VHNT TP phát triển xứng tầm và vươn lên. Trong đó, điểm nghẽn quan trọng được nhiều ý kiến tập trung phân tích là cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và những cơ chế, chính sách cần thiết cho VHNT. 

Bà Phạm Phương Thảo cho rằng, TP cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho VHNT; tổ chức “đối thoại văn hóa” thường xuyên để lắng nghe hiến kế; cần quan tâm đúng mức và có chính sách đặc thù về đào tạo nguồn nhân lực VHNT; đầu tư có trọng điểm, trọng tâm một số loại hình VHNT, đẩy mạnh phối hợp trong hoạt động VHNT. Thế mạnh, tiềm năng lĩnh vực VHNT của TPHCM còn rất lớn, nhất là con người, đội ngũ văn nghệ sĩ trưởng thành qua các thời kỳ. 

Báo cáo thêm về những nhiệm vụ trọng tâm, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM, cho biết, trong năm tới, năm 2020, Sở VH-TT TP tăng cường nguồn lực cho phát triển VHNT, đẩy mạnh đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa dành cho VHNT.

Cụ thể phải khẩn trương hoàn thành việc thực hiện Đề án tổ chức, sắp xếp các đơn vị nghệ thuật công lập TPHCM song song việc đẩy nhanh tiến độ và đưa vào sử dụng các dự án, công trình trọng điểm: Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch, Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ, Trung tâm biểu diễn nghệ thuật đa năng, Trung tâm biểu diễn nghệ thuật truyền thống. Rà soát, cải tạo sửa chữa cơ sở vật chất hiện hữu nhằm đảm bảo phục vụ hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Tập trung xây dựng Đề án Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn TPHCM...

Theo bà Phạm Phương Thảo, với chủ đề được chọn năm 2020 là “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”, đã thể hiện không chỉ sự quan tâm của lãnh đạo TP mà còn thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân - sẽ tạo nên điểm nhấn và sự khởi sắc cho hoạt động VHNT của TPHCM. Các sự kiện văn hóa sẽ gắn vơi chương trình hành động, kế hoạch, bước đi với tầm nhìn dài hạn, sẽ là sự thẩm thấu những giá trị đẹp, có sức sống lâu bền.

Tin cùng chuyên mục