Trong đó đáng lo ngại là dịch sởi tại miền Bắc có chiều hướng diễn biến phức tạp với số ca mắc đang tăng nhanh. Thống kê cho thấy, tính từ đầu năm 2018 tới nay, cả nước đã ghi nhận trên 90 ca mắc sởi, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn trong năm 2017, cả nước chỉ ghi nhận 141 trường hợp mắc sởi, chủ yếu tại miền Bắc. Đáng lưu ý, qua điều tra dịch tễ, trong số các trường hợp mắc sởi có 54 ca mắc (chiếm 38,3%) ở độ tuổi dưới 9 tháng tuổi. Trong đó 54 trẻ chưa đến độ tuổi tiêm chủng, 55 bé không tiêm chủng, 22 trường hợp không rõ tiền sử tiêm chủng.
PGS.TS Trần Như Dương bày tỏ lo ngại khi dịch sởi có thể bùng phát trong năm nay, đặc biệt với trẻ dưới 15 tuổi và dưới 9 tháng. Hơn nữa, theo quy luật cứ 4 năm dịch sởi sẽ quay lại một lần, tại miền Bắc đã xảy ra dịch lớn năm 2013-2014 với hơn 5.000 ca mắc và trên 100 trẻ tử vong, trong khi đó tỷ lệ tiêm chủng tại nhiều khu vực vùng sâu, vùng xa, dân tộc ít người và các khu công nghiệp còn thấp nên nguy cơ dịch bùng phát rất lớn. Cùng với đó, bệnh sởi lây truyền rất mạnh, miễn dịch chủ động của bà mẹ truyền cho trẻ sơ sinh để bảo vệ trong những tháng đầu đời rất thấp.
Trước nguy cơ dịch sởi có chiều hướng gia tăng, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long chỉ rõ, thực tế miễn dịch sởi ở trẻ em thì tốt, nhưng miễn dịch của người lớn không có. Việt Nam bắt đầu triển khai Chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 1985, tỷ lệ tiêm chủng tăng dần hàng năm ở trẻ em vì thế có một lượng lớn người lớn không có miễn dịch. Điều này lý giải vì sao nhiều trẻ dưới 9 tháng tuổi chưa đến tuổi tiêm chủng vaccine cũng mắc sởi là do không có miễn dịch từ mẹ truyền cho. Do đó, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị chức năng của Bộ Y tế đánh giá xem lại miễn dịch của cộng đồng với bệnh sởi, đưa ra khuyến cáo tiêm vaccine cho người lớn, nhất là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
Đặc biệt, Bộ Y tế đang hoàn tất những bước thử nghiệm cuối cùng, để đẩy sớm tuổi tiêm vaccine ở trẻ em từ 9 tháng lên 6 tháng. "Sắp tới ngành y tế có thể sẽ tổ chức tiêm vaccine sởi cho trẻ ngay từ khi 6 tháng tuổi thay vì 9 tháng. Đồng thời đưa một số vaccine mới vào Chương trình tiêm chủng mở rộng như vaccine Sởi - Rubella được sản xuất trong nước, vaccine bại liệt dạng tiêm thay vì chỉ uống như hiện nay..."- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.