Dịch sốt rét lây lan rộng

Chỉ trong vòng 1 tháng qua, TPHCM phát hiện tại xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè có tới 33 ca mắc sốt rét. Đây là sự bùng phát bất thường khiến các chuyên gia y tế lo ngại. Điều đáng nói, sự khởi phát và nguồn lây dịch sốt rét là tại chỗ. Trong khi đó, ngành y tế dự phòng TPHCM đã bỏ ngỏ việc phun hóa chất diệt muỗi và tẩm mùng bằng hóa chất diệt muỗi phòng ngừa sốt rét ở các vùng dịch tễ có ký sinh trùng sốt rét từ 5 năm qua.
Dịch sốt rét lây lan rộng

Chỉ trong vòng 1 tháng qua, TPHCM phát hiện tại xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè có tới 33 ca mắc sốt rét. Đây là sự bùng phát bất thường khiến các chuyên gia y tế lo ngại. Điều đáng nói, sự khởi phát và nguồn lây dịch sốt rét là tại chỗ. Trong khi đó, ngành y tế dự phòng TPHCM đã bỏ ngỏ việc phun hóa chất diệt muỗi và tẩm mùng bằng hóa chất diệt muỗi phòng ngừa sốt rét ở các vùng dịch tễ có ký sinh trùng sốt rét từ 5 năm qua.

  • Xuất hiện nhiều ổ dịch lây lan

Nhập BV Bệnh nhiệt đới TPHCM một tuần qua, anh Nguyễn Văn Đẹp, ngụ ấp 3 xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, vẫn còn những dấu hiệu của cơn sốt rét. Nước da xanh xám, mặt hốc hác, anh Đẹp không thể hình dung được vì sao mình bị mắc sốt rét. “Tự nhiên tôi lên cơn sốt cao, đau nhức gân cơ, uể oải. Cứ tưởng bị cảm cúm xoàng, ai ngờ vô bệnh viện được bác sĩ cho biết bị sốt rét” - anh Đẹp cho biết.

Là nông dân, anh Đẹp không hề bước chân ra khỏi địa phương từ hơn 1 năm qua, do đó việc anh mắc sốt rét chỉ có thể là chính tại nơi cư ngụ có ký sinh trùng sốt rét lưu hành. Tuy nhiên, trước anh Đẹp, ở xã Hiệp Phước tính đến ngày hôm qua (8-8) có tổng cộng 33 ca mắc.

Bệnh nhân Nguyễn Văn Trọng (Bình Khánh, Cần Giờ) điều trị sốt rét tại BV Bệnh nhiệt đới TPHCM. Ảnh: Tg. LÂM

Bệnh nhân Nguyễn Văn Trọng (Bình Khánh, Cần Giờ) điều trị sốt rét tại BV Bệnh nhiệt đới TPHCM. Ảnh: Tg. LÂM

Giáp với Nhà Bè là huyện Cần Giờ cũng đang có nhiều ca mắc sốt rét. Ông Nguyễn Văn Trọng (ngụ ấp Bình Phước, xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ), một bệnh nhân mắc sốt rét đang điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới TPHCM, cho biết ông nhập viện ngày 5-8 trong tình trạng sốt cao, ớn lạnh, nhức đầu. Vốn làm nghề nuôi tôm, hàng ngày chăm bẵm ruộng vườn, ông Trọng cũng chẳng hề đi đâu khỏi địa phương từ nhiều năm qua. Vì vậy, nhiều khả năng vẫn là do mắc sốt rét ngay tại khu dân cư sinh sống.

ThS-BS Nguyễn Thanh Trường, Trưởng khoa Nhiễm D BV Bệnh nhiệt đới, cho biết, liên tục trong 2 tuần qua, tiếp nhận nhiều ca mắc sốt rét cư ngụ tại TPHCM. Bình quân mỗi ngày có 2 - 3 ca nhập viện, trong khi trước đó cả tháng chẳng có ca nào. Ngoài 2 ổ dịch sốt rét tại xã Hiệp Phước (Nhà Bè), huyện Cần Giờ cũng có tới 5 - 6 ca mắc. Riêng trong ngày 8-8, Khoa Nhiễm D đang điều trị tới 10 bệnh nhân sốt rét.

“Chủ yếu bệnh nhân mắc sốt rét mang ký sinh trùng Plasmodium Vivax, một loại ký sinh trùng ít gây biến chứng sốt ác tính, chỉ sốt theo cơn và theo phác đồ điều trị sau 3 ngày là tạm khỏi” - BS Trường nói.

Điều BS Trường lo ngại là hiện các vùng dịch tễ không còn như trước. Một số vùng dịch tễ như TPHCM, Long An sau nhiều năm rất ít ca mắc thì nay bùng phát trở lại. Cũng theo BS Trường, đối tượng mắc sốt rét chủ yếu là người trưởng thành nhưng vừa rồi xuất hiện một ca bệnh 12 tuổi. Qua điều tra bệnh sử, cho thấy bệnh nhân không đến các vùng dịch tễ lưu hành ký sinh trùng sốt rét. Qua đó cho thấy xuất hiện sự bất thường. Do đó, theo BS Trường, không loại trừ những bệnh nhân bị mắc sốt rét rồi cũng có thể tái phát nếu khu vực sinh sống vẫn còn lưu hành muỗi mang ký sinh trùng sốt rét.

  • Bỏ ngỏ phòng dịch

Sau gần 20 năm (kể từ năm 1992), dịch sốt rét rõ ràng đang bùng phát trở lại tại TPHCM. “Mặc dù những năm qua, TPHCM vẫn lác đác có vài ca mắc nhưng nay đã thành dịch” - BS Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, nói.

500.000 người có nguy cơ mắc sốt rét

Theo BS Nguyễn Đắc Thọ, hiện TPHCM có nhiều vùng dịch tễ có muỗi mang ký sinh trùng sốt rét hiện diện là Cần Giờ, Nhà Bè, các xã canh nông ở Bình Chánh, một số phường ở quận 7, vùng giáp ranh giữa quận 8 và huyện Bình Chánh, một số phường của quận 9 thuộc bưng 6 xã, vùng giáp ranh của các xã thuộc huyện Hóc Môn, Củ Chi. Với những vùng dịch tễ này, ước tính khoảng 500.000 người có nguy cơ mắc sốt rét.

Theo BS Thọ, ngoài mắc sốt rét có nguồn lây tại chỗ, vẫn còn các ca mắc ngoại lai do người dân đi vào các vùng dịch tễ ở các tỉnh khác như trường hợp một bệnh nhân ở Củ Chi mắc sốt rét sau khi đi Gia Lai về. Hiện các vùng có ca bệnh đã được truyền thông để người dân nghi ngờ mắc thì ra trạm y tế xã, phường để được khám, điều trị, phát thuốc miễn phí. Đồng thời đã tiến hành phun hóa chất diệt muỗi và tẩm mùng hóa chất diệt muỗi cho các vùng có dịch, thực hiện các biện pháp chống dịch thường quy…

ThS-BS Lương Trường Sơn, Phó Viện trưởng Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng TPHCM, cho biết việc bùng phát dịch sốt rét tại TPHCM là bất ngờ nhưng không nằm ngoài dự đoán. Qua điều tra dịch tễ, nguồn lây là tại chỗ và có những trường hợp cả 2 mẹ con cùng mắc hoặc nhiều anh em trong gia đình cùng mắc sốt rét. Qua đánh giá, sốt rét có xu hướng diễn biến phức tạp, một số tỉnh ở Nam bộ và Lâm Đồng đang có ca mắc sốt rét cao trở lại.

Qua 6 tháng đầu năm 2011, viện ghi nhận khu vực Nam bộ và Lâm Đồng có ký sinh trùng sốt rét tăng 25% và bệnh nhân tăng 10% (3.600 ca) so với cùng kỳ năm 2010. Trong đó đã xuất hiện tình trạng ký sinh trùng kháng thuốc và nguy cơ lây lan rộng ở huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Mặt khác, tình hình sốt rét tại các tỉnh giáp ranh TPHCM như Bình Dương, Đồng Nai cũng phức tạp, năm nào cũng có ca tử vong.

Điều đáng nói, từ nhiều năm qua TPHCM đã bỏ ngỏ việc phòng ngừa sốt rét. Chương trình phòng chống sốt rét của Bộ Y tế triển khai đến tận các trạm y tế phường, xã, gần như chẳng có trạm y tế nào thực hiện.

Bác sĩ Hoàng Văn Bợi, Trưởng trạm Y tế phường Tân Thuận Đông, quận 7, cho biết, mỗi năm trung tâm y tế dự phòng quận lấy 100 mẫu máu để test tầm soát sốt rét nhưng máy xét nghiệm không có, mẫu máu cũng chẳng biết lấy thế nào.

Vậy nhưng, theo BS Nguyễn Đắc Thọ, việc triển khai phòng chống sốt rét triển khai của y tế dự phòng, báo cáo dịch tễ đầy đủ. Còn việc lấy máu xét nghiệm, khi nào có ca bệnh thì đi lấy. Xung quanh thông tin từ nhiều năm qua ngành y tế TPHCM bỏ quên việc phun hóa chất diệt muỗi, tẩm mùng hóa chất diệt muỗi cho các vùng dịch tễ lưu hành ký sinh trùng sốt rét để phòng ngừa sốt rét theo quy định của Bộ Y tế, ít nhất 5 năm nay không triển khai. Lý do là có kế hoạch được duyệt nhưng không… thực hiện! 

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục