Cổ phiếu ngân hàng thương mại cổ phần

Điểm “nhắm” của các nhà đầu tư nước ngoài

Thời gian gần đây, giới tài chính kháo nhau về hiện tượng “săn lùng” cổ phiếu các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) của các nhà đầu tư nước ngoài mà cụ thể là các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Nhiều chuyên gia nhận định, năm 2005 sẽ đánh dấu sự phát triển vượt trội của các NHTMCP và đây là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư.
Điểm “nhắm” của các nhà đầu tư nước ngoài

Thời gian gần đây, giới tài chính kháo nhau về hiện tượng “săn lùng” cổ phiếu các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) của các nhà đầu tư nước ngoài mà cụ thể là các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Nhiều chuyên gia nhận định, năm 2005 sẽ đánh dấu sự phát triển vượt trội của các NHTMCP và đây là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư.

  • “Nóng hổi” thị trường cổ phiếu

Cổ phiếu của các NHTMCP đang được các nhà đầu tư nước ngoài để mắt nhiều nhất là các ngân hàng Á Châu (ACB), Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Đông Á (EAB) và Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank)... Thậm chí nhiều cổ phiếu của các NHTMCP đang được lùng với mức giá cao gấp 3 lần so với mệnh giá gốc.

Điểm “nhắm” của các nhà đầu tư nước ngoài ảnh 1

Nhà đầu tư theo dõi giá cổ phiếu tại Công ty Chứng khoán ACB.

ACB và Sacombank đang là “điểm nhắm” của 5 ngân hàng nước ngoài lớn hiện nay: HSBC (Anh), ANZ (Australia – New Zealand), Standard Chartered (Anh), Citibank (Mỹ) và DBS (Singapore).

Theo các chuyên gia, sở dĩ có tình trạng này vì các NHTMCP đang ở đỉnh cao của chu kỳ hoạt động hiệu quả. Năm 2004, NHTMCP có mức sinh lời cao nhất là 27%, thấp nhất cũng đạt mức 15%.

Đặc biệt, các NHTMCP ở khu vực TPHCM có mức lãi gộp khoảng 1.100 tỷ đồng, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trên 300 tỷ đồng, tăng 100 tỷ đồng so với năm 2003.

Hai ngân hàng lãi gộp trên 200 tỷ đồng là ACB (lãi 278 tỷ đồng) và Sacombank (213 tỷ đồng). Các ngân hàng khác như Eximbank, EAB, Sài Gòn Công Thương... lãi trên 100 tỷ đồng.

Với mức sinh lời cao nhất so với các ngành kinh tế trong nước và cao hơn mức bình quân các ngân hàng khu vực, các NHTMCP đã chia cổ tức cho cổ đông rất cao, có khi tới 30%.

Ông Lý Xuân Hải – Phó Tổng Giám đốc ACB, cho biết còn có lý do nữa để các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm cổ phiếu ngân hàng vì với dân số 80 triệu, tiềm năng phát triển của các ngân hàng trong nước còn rất lớn. Bản thân nhiều NHTMCP vừa qua cũng đã lột xác, “gột sạch” nợ nần và tiếp nhận các cơ hội đầu tư rất hiệu quả.

Đến nay, hầu hết các ngân hàng đều có tình trạng tài chính tốt, vốn điều lệ đã đạt chuẩn mực tối thiểu theo thông lệ quốc tế là 8%. Nhờ vậy hệ số an toàn vốn của các NHTMCP ngày càng tăng, đủ khả năng để cung cấp nhiều khoản vay lớn và triển khai hàng loạt những hệ thống dịch vụ hiện đại trên toàn quốc.

  • Tiếp nhận có chọn lọc

Hiện nay, các NHTMCP sẵn sàng tiếp nhận các nhà đầu tư nước ngoài, vì cho dù NHTMCP trong nước có tăng cường nội lực, chuẩn bị về khả năng công nghệ, quản trị, quản lý kinh doanh và phát triển các sản phẩm ngân hàng… nhưng vẫn chưa bằng “ngưỡng” các ngân hàng nước ngoài. Trong khi đó, chỉ khoảng từ 5 đến 7 năm nữa, các NHTMCP sẽ chấp nhận sự cạnh tranh của các đối thủ nước ngoài (được phép hoạt động như các ngân hàng Việt Nam).

Chuẩn bị cho sự cạnh tranh sắp tới, các NHTMCP phải tiếp nhận sự “thâm nhập” của các nhà đầu tư nước ngoài bằng cách này hay cách khác. Hiện tại, tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC), đã nắm 8% - 10% cổ phần trong ACB và Sacombank.

Ông Nguyễn Gia Định – Tổng Giám đốc Eximbank cho biết, có nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào Emximbank và ngân hàng chấp nhận sự đầu tư này nhưng phải có lựa chọn và không chấp nhận bằng mọi giá. Khi đối tác đầu tư nước ngoài tham gia quản trị ngân hàng, nếu quản trị tốt thì không có vấn đề gì, nếu như họ “lái” ngân hàng đi theo chiều hướng khác thì ta phải tính toán.

Ông Định khẳng định, vốn là vấn đề quan trọng nhưng không phải là cốt yếu. Nếu cùng lựa chọn nguồn vốn ngang nhau của hai nhà đầu tư khác nhau, chúng tôi sẽ cân nhắc những lợi ích mà nhà đầu tư mang lại như trình độ công nghệ, kiến thức về quản trị rủi ro cho ngân hàng…

Hiện nay, để tạo tiền đề phát triển bền vững và lâu dài, năm 2005, các NHTMCP đang “chạy đua” tăng vốn. Nhiều NHTMCP phát hành thêm cổ phần để tăng sức cạnh tranh trước thềm Việt Nam trở thành thành viên của WTO. Ngày 15-3-2005, ACB đã chính thức tăng vốn điều lệ từ 481 tỷ đồng lên 600 tỷ đồng.

Sacombank cũng đang triển khai tăng vốn điều lệ từ 815,7 tỷ đồng lên 1.250 tỷ đồng trước khi chính thức niêm yết trên thị trường chứng khoán… Ngoài Sacombank đang dự tính lên sàn, nhiều ngân hàng cũng đang có kế hoạch niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Ông Định cho biết, lộ trình của Eximbank là thực hiện công khai tất cả các báo cáo tài chính của mình cho công chúng, tiến tới chuyển sang chuẩn mực kiểm toán quốc tế và chia cổ tức từ năm 2005… Sau đó, Eximbank sẽ xem xét thời điểm để lên sàn.

Có thể thấy, các NHTMCP đang “ăn nên làm ra” hứa hẹn sự tăng vọt giá cổ phiếu trong thời gian tới, là cơ may tìm kiếm lợi nhuận rất lớn nếu nhà đầu tư trong và ngoài nước “bắt” trúng hàng hóa…  

NGHI - VĂN

Tin cùng chuyên mục