Điện ảnh Việt - Lạc quan với thế hệ đạo diễn mới

Làn gió mới cho phim Việt
Điện ảnh Việt - Lạc quan với thế hệ đạo diễn mới

Cùng với sự bùng nổ về số lượng phim điện ảnh ra rạp, năm 2015 còn đánh dấu và ghi nhận sự nỗ lực sáng tạo của đội ngũ những nhà làm phim trẻ, những đạo diễn lần đầu chào sân với các tác phẩm ấn tượng vừa giàu chất nghệ thuật, vừa thu hút khán giả đến phòng vé. Họ chính là thế hệ những đạo diễn mới tiềm năng của điện ảnh Việt trong tương lai.  

Làn gió mới cho phim Việt

Một câu chuyện dung dị nhưng tràn đầy cảm xúc, diễn xuất hồn nhiên của các diễn viên nhí và những khung hình tuyệt đẹp đã khiến Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh trở thành bộ phim đáng xem nhất trong năm 2015. Bộ phim cũng đã đoạt giải Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19.

Đạo diễn Victor Vũ và ê kíp của mình đã chọn lọc để biến những trang sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thành những hình ảnh sống động, cuốn hút và đầy tinh tế, kể một câu chuyện cảm động về tuổi thơ. Bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh tuy chưa thật hoàn hảo, nhưng điều tuyệt vời nhất chính là cảm xúc mạnh mẽ khi phim khơi gợi, “chạm vào” những ký ức tuổi thơ và đã xóa bỏ “điều tiếng” - phim do Nhà nước đầu tư chỉ thuần về tuyên truyền và thiếu tính khả thi về doanh thu.

Đây được xem là cú bắt tay thành công giữa Nhà nước và tư nhân, giữa những thế hệ làm phim khác nhau, giữa tác giả văn học ăn khách và một đạo diễn có nghề... Đạo diễn Victor Vũ đã đặt mỗi nhân vật đúng với vai trò, vị trí của họ trong phim và biết cách để họ tạo dấu ấn của riêng mình.

Cảnh trong phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh

Trong khoảng 2 tuần trở lại đây, Em là bà nội của anh - dự án phim điện ảnh đầu tay của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh (tên thường gọi là Phanxine) trở thành hiện tượng phòng vé. Trong tuần đầu công chiếu, bộ phim đạt doanh thu 16,5 tỷ đồng và tiếp tục cán mốc 41,5 tỷ đồng sau 10 ngày ra rạp dù phải đối đầu với bom tấn đình đám Star Wars 7. Phim Em là bà nội của anh được Việt hóa từ kịch bản gốc của Hàn Quốc - Miss Granny (Ngoại già tuổi đôi mươi) từng ra mắt khán giả trong nước năm 2014.

Chia sẻ về thành công của bộ phim, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho biết: “Trước hết, tôi thấy mình may mắn khi được hợp tác với những nhà sản xuất CJ E&M và HK Films, bởi họ thực sự tin tưởng khi giao dự án này cho tôi. Tôi không bị áp lực quá nhiều về chuyện doanh thu, bởi tôi luôn xác định làm một bộ phim hay để gửi đến khán giả mới là điều quan trọng. Tôi muốn truyền đến họ những cảm xúc thật, thông điệp yêu thương và nhân văn”. Em là bà nội của anh có thể được xếp vào danh sách những bộ phim tiêu biểu năm 2015.

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh (bìa trái) tham gia giao lưu cùng người hâm mộ tại các buổi ra mắt bộ phim Em là bà nội của anh

Yêu - bộ phim điện ảnh đầu tay của biên đạo múa Việt Max, lấy cảm hứng từ bộ phim nổi tiếng của điện ảnh Thái Lan - The Love of Siam, cuốn hút khán giả không chỉ bởi đề tài nhạy cảm: đồng tính nữ mà còn bởi những khung hình dung dị, diễn xuất tròn trịa, kịch bản chắc tay. Theo công bố từ nhà phát hành, sau 3 ngày công chiếu, bộ phim đạt doanh thu 12 tỷ đồng. Đạo diễn Việt Max chia sẻ, anh vui khi bộ phim đầu tay của mình được khán giả đón nhận và ủng hộ. “Tôi may mắn vì có Công ty Early Risers - một trong những đơn vị sản xuất phim dám nghĩ, dám làm và dám đưa cơ hội thử thách cho những đạo diễn mới như tôi”, đạo diễn Việt Max nói.

Đạo diễn Việt Max (thứ 2 từ phải sang) cùng dàn diễn viên phim Yêu

Ra mắt cùng thời điểm cuối tháng 11, điện ảnh Việt cũng chào đón gương mặt đạo diễn “mới mà không mới” - Vũ Ngọc Phượng với 12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy. Vũ Ngọc Phượng vốn không phải gương mặt xa lạ bởi anh từng đảm nhận vai trò biên kịch cho Chàng trai năm ấy, Ngày nảy ngày nay... Đây là dự án phim điện ảnh đầu tay trong vai trò đạo diễn của chàng trai sinh năm 1985 từng tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành biên kịch tại The London Film School, Anh. Chọn thể loại đánh giá đúng tâm lý giới trẻ, lại có dàn diễn viên đang được khán giả yêu thích, phim được đánh giá khá tốt từ kịch bản, diễn xuất, trang phục lẫn âm nhạc và là bộ phim hài lãng mạn đậm chất Tây. Dù không đình đám ở phòng vé, nhưng phim cũng để lại một dấu ấn khác lạ trong thị trường phim Việt 2015.

Trước 3 cái tên nói trên, trong vòng 2 năm trở lại đây, điện ảnh Việt liên tiếp chào đón những đạo diễn trình làng các tác phẩm đầu tay của mình. Trong số đó, có thể kể đến: Phan Minh với Tốc độ đường cong, đạo diễn Việt kiều Văn M.Phạm với Chung cư ma, Nguyễn Quang Tuyến với Cầu vồng không sắc... Thời gian tới, diễn viên Khương Ngọc cũng lần đầu tiên thử sức với vai trò đạo diễn trong dự án phim tết - Yêu là phải xài chiêu.

Một điểm chung rất dễ nhận thấy, đó là hầu hết các tác phẩm đầu tay của những gương mặt đạo diễn mới này đều mang hơi hướng hiện đại, sáng tạo từ cách chọn chủ đề cho đến khai thác câu chuyện. Họ kết hợp với ê kíp trẻ từ dàn diễn viên, biên kịch, nhà sản xuất... đã thực sự tạo nên những điểm nhấn thú vị tạo cho phim Việt trở nên tươi mới, đầy sức sống hơn. Với đà phát triển như hiện nay, năm 2016 hứa hẹn sẽ còn bùng nổ nhiều hơn nữa những tác phẩm đầu tay của các đạo diễn mới.

Cơ hội và thách thức

Trong đêm bế mạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19 hồi đầu tháng 12 vừa qua, Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan cho hay, một trong những dấu ấn đậm nét của điện ảnh Việt trong vòng 2 năm trở lại đây là tay nghề và bản lĩnh của các nhà làm phim trẻ. Điều đó khiến các nhà quản lý, giới chuyên môn cũng như khán giả có quyền đặt niềm tin vào họ với những tác phẩm sẽ ra mắt trong tương lai.

Đạo diễn, NSND Đào Bá Sơn cũng chung quan điểm đó khi khẳng định: “Tôi cảm thấy vui mừng và hy vọng vào thế hệ đạo diễn mới bởi thời gian vừa qua họ đã có những tác phẩm được ghi nhận, thể hiện sức sáng tạo, mà rõ nét nhất là tại Liên hoan phim Việt Nam hay thành công về doanh thu phòng vé. Đó thực sự là những tín hiệu tốt”. Đạo diễn, NSND Đào Bá Sơn chỉ ra rằng, các đạo diễn mới hiện nay có cách kể chuyện hiện đại, tiếp cận vấn đề văn minh, có dấu ấn riêng qua đó khẳng định được giá trị và tên tuổi của mình.

Những thành công bước đầu về doanh thu phòng vé hay sự yêu mến của khán giả là động lực lớn đối với các đạo diễn mới. Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận là cơ hội luôn đi kèm với thách thức bởi trong bối cảnh bùng nổ phim Việt hiện nay, khán giả Việt ngày càng trở nên khó tính hơn, nhất là khi họ có nhiều lựa chọn với các phim bom tấn nước ngoài. “Thị trường điện ảnh Việt còn khá nhỏ, số lượng phim phát triển nhanh là điều đáng mừng bởi nó vừa tạo nếp văn hóa, thói quen cho khán giả, đồng thời giúp họ có nhiều lựa chọn hơn. Khi các nhà làm phim buộc phải cạnh tranh để thu hút khán giả thì cách duy nhất là phải chọn làm phim tử tế”, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chia sẻ.

Đối với đạo diễn các dự án đầu tay, một trong những băn khoăn chung được đặt ra đó là làm sao để nhà sản xuất đặt niềm tin vào họ. “Các nhà sản xuất phim có thể vẫn chọn phương thức an toàn, chưa mạnh dạn đầu tư cho những thể loại phim mới cũng như lựa chọn các đạo diễn mới vì làm phim vốn rất rủi ro nên điện ảnh Việt Nam vẫn còn hạn chế và chưa đa dạng về thể loại phim”, đạo diễn Việt Max chia sẻ. Đó cũng là lý do mà khi thực hiện tác phẩm đầu tay Tốc độ và đường cong, đạo diễn Phan Minh phải nhờ sự hỗ trợ rất lớn của bạn bè, đồng nghiệp. Đạo diễn Việt kiều Văn M.Phạm sau tác phẩm đầu tay Chung cư ma thừa nhận, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là chuyện kinh phí. “Biết là khó và phải chấp nhận nhưng tôi nghĩ đã đến lúc cần thay đổi để nền điện ảnh trong nước có những hướng đi tích cực hơn”, đạo diễn Văn M.Phạm nói.

Tại hội thảo quốc tế Các chính sách và biện pháp ưu đãi phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam vào đầu tháng 12, ông Michael Werner, Chủ tịch hãng Fortissimo Films (Hồng Công - Trung Quốc) - đơn vị phát hành bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh tại thị trường nước ngoài, chia sẻ, việc phát triển đội ngũ các đạo diễn, nhà làm phim trẻ và xây dựng hệ thống sàng lọc tài năng sẽ là bước đột phá trong việc phát triển ngành công nghiệp điện ảnh. Trong báo cáo nghiên cứu về điện ảnh Việt của chuyên gia Đan Mạch Jacob Kirstein Hogel cũng đã chỉ ra, cần phải hỗ trợ và phát triển tài năng bởi vì không có sự đảm bảo rằng thành công sẽ xuất hiện ngay từ ngày đầu tiên. Do đó, các chính sách đào tạo, nuôi dưỡng, giáo dục và phát triển tài năng sẽ là tiền đề quan trọng để điện ảnh Việt trở thành một ngành công nghiệp thực thụ.

VĂN TUẤN

Tin cùng chuyên mục