Diễn biến khó lường ở Trung Đông

Ngoại trưởng các nước Arab đã quyết định tổ chức phiên họp khẩn để thảo luận “những biện pháp gây hấn” của Israel cho thấy tính chất của vụ việc đã trở nên nghiêm trọng...
Cảnh sát Israel bắt giữ một người Palestine sau khi ông này kêu gọi các giáo sĩ cầu nguyện trên phố thay vì tại nhà thờ Hồi giáo Al Aqsa, tại thành phố cổ Jerusalem, ngày 19-7. Ảnh: AP
Cảnh sát Israel bắt giữ một người Palestine sau khi ông này kêu gọi các giáo sĩ cầu nguyện trên phố thay vì tại nhà thờ Hồi giáo Al Aqsa, tại thành phố cổ Jerusalem, ngày 19-7. Ảnh: AP
Phiên họp khẩn của ngoại trưởng các nước Arab nhằm thảo luận “những biện pháp gây hấn” của Israel tại khu đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Đông Jerusalem đã được dời sang ngày 27-7 để đảm bảo có nhiều ngoại trưởng tham gia nhất. Quyết định này cho thấy tính chất của vụ việc đã trở nên nghiêm trọng và cuộc khủng hoảng giữa Palestine và Israel lại có dấu hiệu bùng phát leo thang.

Trước đó, ngày 23-7, ngoại trưởng các nước thành viên Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) như Algeria, Jordan, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỹ (hiện giữ cương vị Chủ tịch OIC)... đã có cuộc điện đàm xoay quanh những biện pháp an ninh của Israel gần đây, trong đó có việc lắp đặt các máy dò kim loại tại đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa. Những biện pháp này được áp dụng ngay sau vụ tấn công của các tay súng Arab tại đây khiến 2 cảnh sát Israel thiệt mạng.
Cho dù Tel Aviv bác bỏ, nhưng người Hồi giáo cho rằng Israel đang tìm cách mở rộng quyền kiểm soát tại khu vực thánh tích của người Hồi giáo dưới vỏ bọc an ninh. Các ngoại trưởng thừa nhận “tình hình đang trở nên xấu đi ở Jerusalem, cũng như các cuộc tấn công của binh lính Israel vào dân thường Palestine”. Họ nhất trí tham vấn cộng đồng quốc tế, trong đó có các quốc gia Arab và Hồi giáo, nhằm đảm bảo việc bảo vệ người Palestine và các thánh tích, trong khi gây sức ép để lực lượng chiếm đóng Israel chấm dứt leo thang căng thẳng tại một trong những thánh tích nằm ở vùng lãnh thổ của Palestine bị Israel chiếm đóng.  

Trong khi đó, trong chính giới chức Israel, tranh cãi cũng đang gia tăng với việc một số người chỉ trích chính phủ đã hành động mà không xem xét đầy đủ những hậu quả của việc áp dụng các biện pháp an ninh mới tại Al-Aqsa, địa điểm tín ngưỡng linh thiêng đối với cả người Do Thái và người Hồi giáo và cũng là tâm điểm của cuộc xung đột giữa Israel và Palestine. 

Trung Đông chưa bao giờ được yên ả. Nếu như cuộc khủng hoảng giữa Palestine và Israel mới bùng phát thì cuộc khủng hoảng giữa Qatar và các nước láng giềng vùng Vịnh lại tiếp tục leo thang và làm rung chuyển mạnh mẽ Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC). Ngày 23-7, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini đã hối thúc tất cả các bên tham gia đàm phán nhanh chóng giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay giữa Qatar và các nước láng giềng vùng Vịnh. Thụy Sĩ cũng đưa ra đề nghị làm trung gian hòa giải giữa Iran và Saudi Arabia - hai nhân tố chính trong cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa các nước thuộc GCC với Qatar. 

Trong quá khứ, những căng thẳng không phải là hiếm giữa 6 nước quân chủ vùng Vịnh, nhưng sự quyết liệt trong phản ứng mới đây của Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất đối với một quốc gia thành viên của GCC đã để lại những dấu ấn. Các cuộc tấn công dữ dội về truyền thông và các biện pháp trả đũa về ngoại giao, chính trị và kinh tế được thông qua để chống lại Qatar là chưa từng có. Theo giới quan sát, cuộc khủng hoảng này đã tăng cường đáng kể vai trò của Iran. Quốc gia này xuất hiện như một cường quốc khu vực vững vàng và gắn kết, có khả năng điều chỉnh một phần những căng thẳng bên trong của vùng Vịnh.

Tin cùng chuyên mục