Chương trình giáo dục tổng thể vừa được ban hành thực sự đang đặt trọng trách lên đội ngũ giáo viên trong hệ thống giáo dục của chúng ta hiện nay.
Có thể nói, thách thức lớn lao và căn bản khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới chính là việc xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên, nguồn nhân lực quan trọng trong việc thực hiện chương trình giáo dục ở các nhà trường phổ thông.
Chương trình giáo dục theo định hướng phát triển năng lực cho học sinh đòi hỏi giáo viên phải tích cực phát huy năng lực sư phạm của bản thân nhiều hơn so với cách thức giáo dục trước đây.
Giáo viên của chương trình phổ thông mới phải thể hiện rõ nét vai trò của người “Kỹ sư” trong toàn bộ hoạt động dạy học của mình (từ việc thiết kế giáo án, định hướng mục tiêu học tập, chọn lọc xây dựng nội dung dạy học, đến việc tổ chức các hoạt động học tập, khám phá trải nghiệm cho học sinh…), hơn là chỉ được đóng vai một người “thợ dạy”, bị ràng buộc thực hiện nội dung dạy học trong bộ sách giáo khoa duy nhất, bị áp đặt, đóng khung thời gian của từng bài học theo kế hoạch giảng dạy chung…
Đó là một thách thức lớn của hệ thống giáo dục nước ta hiện nay, khi cần phải kịp thời bồi dưỡng năng lực sư phạm cho cả một đội ngũ giáo viên vốn dĩ đã thích ứng với việc phải thực thi theo chỉ đạo hơn là được quyền tự chủ, sáng tạo trong dạy học.
Nhìn chung, người “Kỹ sư” của chương trình giáo dục phổ thông mới rất cần phải được nâng tầm về mọi mặt, từ nhận thức, kỹ năng đến thái độ đối với xu hướng giáo dục mới.
Trước hết, giáo viên cần hiểu rõ sự bức bách và trách nhiệm, vai trò quan trọng của từng cá nhân trong việc thực hiện chương trình, hoạt động giáo dục theo định hướng phát triển năng lực cho học sinh, từ đó họ mới có thể chủ động rèn luyện nâng cao năng lực sư phạm của bản thân.
Ngoài ra, giáo viên cần thông suốt không chỉ về nội dung chương trình giáo dục mới mà còn phải nâng cao khả năng sử dụng đa dạng và thuần thục các phương pháp dạy học, các kỹ thuật dạy học theo hướng tổ chức hoạt động khám phá, trải nghiệm cho học sinh, nhằm khơi dậy các tiềm năng sẵn có của các em và tạo điều kiện cho học sinh thể hiện, phát huy năng lực khác nhau của bản thân.
Như nhà dự báo học Raya Roysing đã khẳng định: “Không một hệ thống giáo dục nào vươn quá tầm trình độ của đội ngũ giáo viên làm việc cho hệ thống đó”.
Chương trình giáo dục phổ thông mới có được thực hiện thành công và mang lại sự chuyển biến tích cực về chất lượng giáo dục đến đâu, điều đó tùy thuộc rất nhiều vào sự “chuyển mình” của từng giáo viên trong hệ thống giáo dục của nước ta hiện nay.