Diễn đàn Hưởng ứng năm “An toàn giao thông” - Cần những hành động thiết thực

LTS:
Diễn đàn Hưởng ứng năm “An toàn giao thông” - Cần những hành động thiết thực

LTS: Nhằm  vận động tuyên truyền người dân cả nước hưởng ứng năm quốc gia “An toàn giao thông”, góp phần giảm tai nạn, ùn tắc giao thông, từ ngày 8-2-2012,  Báo SGGP mở diễn đàn “Hãy hành động vì mục tiêu an toàn giao thông”. Báo SGGP xin đón nhận các bài viết của bạn đọc gần xa, phản ánh kinh nghiệm thực tế, hiến kế hoặc đóng góp ý kiến cho diễn đàn này.

Hàng rong ngang nhiên lấn chiếm lòng đường gây kẹt xe trên nhiều tuyến đường ở TPHCM. Ảnh: B.K.

Hàng rong ngang nhiên lấn chiếm lòng đường gây kẹt xe trên nhiều tuyến đường ở TPHCM. Ảnh: B.K.

Trách nhiệm của mỗi chúng ta

Đúng như thông điệp mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng  đã gởi đến cán bộ, chiến sĩ, đồng bào cả nước: “Giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông là trách nhiệm của mỗi người trong chúng ta. Chúng ta cùng nhau  có trách nhiệm với chính mình, với gia đình, với người thân, bạn bè và với toàn xã hội, mà hành động mỗi người trong chúng ta có thể làm ngay đó là chấp hành nghiêm pháp luật về đảm bảo trật tự và an toàn giao thông”. Chưa bao giờ mệnh lệnh từ lý trí, từ trái tim của chúng ta đều đồng thanh vang lên: “Phải hành động, phải tìm mọi cách để kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT), xóa dần bóng đen chết chóc, tang thương từ thảm họa TNGT đang đe dọa cuộc sống bình yên của chúng ta và kiên quyết lập lại trật tự giao thông…”.

Con số đau lòng khiến chúng ta day dứt là mỗi năm cả nước có khoảng 12.000 sinh mạng bị cướp đi vì TNGT. Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Bộ Công an, chỉ trong 9 ngày nghỉ Tết Nhâm Thìn - 2012, cả nước xảy ra 402 vụ TNGT, khiến 326 người tử vong và hàng trăm người bị thương. Không thể tin được sự thật, trung bình mỗi ngày cả nước có 30 người chết và hàng chục người bị thương nặng vì TNGT. Cũng không thể thống kê hết tổn thất về sức khỏe, chi phí y tế và gánh nặng chăm sóc của gia đình và xã hội dành cho những nạn nhân mất khả năng lao động, sinh hoạt do TNGT.

Nhìn lại những năm qua, chúng ta đã quyết tâm và triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp nhằm kéo giảm TNGT, lập lại trật tự giao thông, thế nhưng kết quả đạt được không như mong muốn. Tại kỳ họp Quốc hội mới đây, nhiều đại biểu Quốc hội đã chất vấn Chính phủ và tỏ ra lo lắng, bất an trước thảm họa TNGT của nước nhà. Chất lượng cuộc sống của người dân đang bị kéo giảm do thảm họa TNGT rình rập và sự đối mặt thường xuyên với ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn.

Không thể chậm trễ, không thể kéo dài thêm thảm nạn trên, Chính phủ đã lấy năm 2012 là “Năm an toàn giao thông” và tập trung chỉ đạo, đề ra hàng loạt biện pháp nhằm thiết lập kỷ cương trật tự an toàn giao thông trong phạm vi cả nước và quyết liệt giảm thiểu ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn. Hưởng ứng thông điệp này, những ngày qua nhiều địa phương trong cả nước đã tổ chức lễ và rầm rộ ra quân nhằm thực hiện “Năm an toàn giao thông”, thể hiện quyết tâm rất cao của các cấp chính quyền, ngành chức năng và người dân.

Hành động thay vì chỉ phát động

Quyết tâm đã có, vấn đề đặt ra là các cấp, các ngành, trong đó vai trò chính của ngành chủ quản - Bộ GTVT, từng địa phương, mỗi cấp chính quyền đã chuyển động đến đâu và có chương trình hành động, giải pháp phù hợp với tình hình thực tế để cùng tạo ra hiệu quả cải thiện bức tranh giao thông có nhiều gam tối như hiện nay? Như thế, rất cần một nhạc trưởng với một kế hoạch tổng thể cùng các giải pháp khẩn cấp trước mắt cũng như lâu dài để chữa trị tận gốc căn bệnh mất trật tự của ngành giao thông. Như thế, Bộ GTVT phải có kế hoạch cấp thiết nào để từng bước nâng cấp cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, phát triển dịch vụ vận tải công cộng, chống ùn tắc giao thông… ra sao?

Còn lực lượng Công an phải có kế hoạch vào cuộc để có thể chấn chỉnh, xử lý nghiêm  những vi phạm Luật Giao thông đường bộ xóa bớt những điểm đen về TNGT, cấp giấp phép lái xe đúng quy định, ngăn chặn các phương tiện vận tải, lưu thông đường bộ không đảm bảo an toàn…? Việc xây dựng hình ảnh, tác phong của cảnh sát giao thông cũng như việc giám sát, thanh tra những hành vi nhũng nhiễu, tiếp tay cho vi phạm luật giao thông phải bị xử lý nghiêm để làm gương, lấy lại niềm tin của quần chúng.

Ở từng địa phương, nhất là những nơi có tần suất TNGT cao, chính quyền, ngành chức năng phải có chương trình hành động thiết thực để ngăn chặn, xử lý thích đáng những vi phạm, tái phạm về an toàn giao thông, lấn chiếm lòng lề đường, góp phần gây ùn tắc, tạo ra nguy cơ gây TNGT.

Riêng ở hai đô thị lớn là TPHCM và Hà Nội, chính quyền đô thị phải có chương trình giải pháp kiên quyết, đồng bộ để kéo giảm TNGT xuống mức thấp nhất và cải thiện dần tình trạng ùn tắc giao thông. Để giải quyết căn cơ vấn nạn lưu cữu này, các đô thị lớn phải kiên quyết lập lại kỷ cương, trật tự giao thông đô thị, xử lý nghiêm tình trạng “xẻ thịt”- lấn chiếm lòng lề đường làm nơi buôn bán, kinh doanh.

Ý thức người đi đường được nâng cao sẽ góp phần thực hiện tốt Năm an toàn giao thông 2012. Ảnh: KIM NGÂN

Ý thức người đi đường được nâng cao sẽ góp phần thực hiện tốt Năm an toàn giao thông 2012. Ảnh: KIM NGÂN

Nói thì dễ nhưng hành động thì không dễ, vì thế thay vì hô hào, rầm rộ phát động phong trào xong rồi để đó, các ngành chức năng và chính quyền các cấp phải phối hợp tháo gỡ từng vấn đề vướng mắc, tồn đọng trong việc lập lại trật tự, kỷ cương, xử lý không nương tay đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực an toàn giao thông. Về phía người dân, người điều khiển các phương tiện giao thông hãy thay đổi thói quen xấu, biết nhường nhịn, kiên nhẫn chờ đợi, không phóng nhanh, vượt ẩu, đi đúng tuyến, đúng làn xe quy định.

Nếu mỗi người đều có trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Giao thông đường bộ thì chúng ta sẽ đẩy lùi được bóng đen TNGT và làm cho bức tranh an toàn giao thông sáng sủa hơn, trật tự hơn.

Khánh Hà

Thông tin liên quan

Bộ GTVT: Sẽ điều chỉnh những bất cập của việc đổi giờ học, giờ làm

Tin cùng chuyên mục