Điều chỉnh viện phí là nhu cầu cấp bách

Ngành y tế TPHCM hiện có nhiều nỗi lo. Nhân lực có xu hướng dịch chuyển từ cơ sở y tế công lập sang tư nhân, thậm chí nghỉ việc, trong khi nhiều bệnh viện, trung tâm y tế “khuyết” lãnh đạo, thiếu điều dưỡng. Bên cạnh đó là bài toán nan giải về tự chủ, đấu thầu mua sắm. 

Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM và PGS-TS Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, về vấn đề này.

Xem xét lại các mức tự chủ

* PHÓNG VIÊN: Nhiều nhân viên y tế (NVYT) đang có xu hướng chuyển từ cơ sở y tế công lập sang tư nhân. Là người đứng đầu ngành y tế TPHCM, ông đánh giá thực trạng này bắt nguồn từ đâu, thưa ông?

* PGS-TS TĂNG CHÍ THƯỢNG: Hiện tượng nhiều NVYT dịch chuyển từ cơ sở y tế công lập sang tư nhân, và ngược lại, ở TPHCM đã diễn ra từ lâu, nhưng sau dịch Covid-19 thì có dấu hiệu tăng rõ rệt. Từ năm 2021 đến tháng 9-2022, thành phố có khoảng 2.000 NVYT chuyển từ khu vực công sang tư, hoặc nghỉ việc. Đồng thời, các đơn vị cũng tuyển thêm khoảng 1.700-1.800 NVYT.

Tuy nhiên, đa số người chuyển việc, nghỉ việc là người có kinh nghiệm, có chuyên môn; còn nhân viên mới tuyển là người vừa tốt nghiệp ra trường, cần thời gian dài làm việc mới có thể thay thế được những người ở vị trí cũ.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến NVYT nghỉ việc, nhưng có một nguyên nhân ít ai nói ra, là họ mệt mỏi, căng thẳng sau 2 năm phòng chống dịch, trong khi nguồn thu nhập thấp, không đáp ứng cuộc sống gia đình.

Điều chỉnh viện phí là nhu cầu cấp bách ảnh 1 PGS-TS Tăng Chí Thượng

* Sở Y tế TPHCM có những giải pháp cũng như kiến nghị gì để thu hút nguồn nhân lực y tế thành phố?

* PGS-TS TĂNG CHÍ THƯỢNG: NVYT nghỉ việc trải dài từ y tế cơ sở đến các bệnh viện, trong số đó, số lượng NVYT nghỉ việc ở bệnh viện công lập (chủ yếu là bác sĩ và điều dưỡng) chiếm phần lớn. Nếu để tình trạng nghỉ việc kéo dài sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn và chất lượng chăm sóc người bệnh của bệnh viện.

Hầu hết các bệnh viện đã tự chủ và sau gần 2 năm phòng chống dịch Covid-19, nguồn thu từ hoạt động khám chữa bệnh giảm sút rất rõ. Trước mắt, để có nguồn thu hợp pháp trở lại, các bệnh viện cần khẩn trương củng cố, nâng cao năng lực chuyên môn cũng như cải thiện giao tiếp ứng xử trong chăm sóc người bệnh.

Một trong những băn khoăn của các bệnh viện là làm thế nào viện phí sớm được tính đúng, tính đủ. Trước đây, số lượng bệnh nhân đông, quá tải thì bệnh viện bù đắp qua lại, có thể cố gắng được; giờ số lượng người đến khám giảm sút, nguồn thu giảm hẳn. Việc điều chỉnh viện phí trong giai đoạn này là nhu cầu cấp bách nhưng nằm ngoài tầm của các bệnh viện.

Sở Y tế TPHCM, Bộ Y tế đã kiến nghị Quốc hội sớm thông qua, điều chỉnh để cho các bệnh viện thực hiện giá thu hợp lý. Nếu như vì nhiều lý do mà chưa điều chỉnh được giá thu, thì có thể điều chỉnh lại các mức tự chủ ở bệnh viện. Chính phủ vừa ban hành Nghị định 60 về tự chủ của các đơn vị sự nghiệp thay thế Nghị định 43; Bộ Tài chính cũng đã ra hướng dẫn thực hiện nghị định này.

Trước mắt, ngành y tế tiếp tục đeo bám và đánh giá mức tự chủ của các bệnh viện để kịp thời kiến nghị thành phố có hướng tháo gỡ. Các hoạt động khác của bệnh viện cũng cần được củng cố như: khám theo yêu cầu; chế độ chính sách, điều chỉnh mức lương, trợ cấp cho phù hợp.

Nghiên cứu lập viện đào tạo cán bộ quản lý y tế

* Trong lĩnh vực đào tạo, cần làm gì để có nguồn nhân lực chất lượng cho ngành y tế thành phố?

* PGS-TS TĂNG CHÍ THƯỢNG: Giờ đây đang vướng về đào tạo điều dưỡng do Bộ Y tế đưa ra mốc thời gian năm 2025 không còn điều dưỡng trung cấp, tất cả phải chuyển lên đại học, ít nhất là cao đẳng. Đến nay, tất cả các trường đã ngưng đào tạo điều dưỡng trung cấp; trong khi đó, thực tế hiện nay các bệnh viện trên địa bàn TPHCM, điều dưỡng lại nghỉ việc khá nhiều, có những khoa, bác sĩ nhiều hơn điều dưỡng và việc tuyển dụng rất khó.

Tâm lý số người đi học điều dưỡng cũng giảm so với trước đây, dù vẫn còn điều dưỡng trung cấp. Sở Y tế TPHCM đã kiến nghị Bộ Y tế xem xét tạm thời điều chỉnh thời gian - thay vì chấm dứt vào năm 2025 thì có thể lùi đến 2030 để các bệnh viện ổn định.

* PGS-TS NGUYỄN THANH HIỆP: Sự chuyển dịch từ khu vực công sang tư, mình không gọi là “chảy máu” chất xám, vì bác sĩ vẫn theo ngành, chỉ là họ chuyển ra một môi trường tốt hơn để phục vụ người dân. Đáng lo là việc thiếu hụt nhân lực trong hệ thống y tế, nhất là thiếu điều dưỡng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Trong bối cảnh chung đó, chúng ta cần một tầm nhìn và chiến lược hành động để duy trì nguồn nhân lực y tế, đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Cần có một khảo sát tổng quát, đánh giá được nhu cầu đào tạo đa ngành và có dự trù hao hụt biến động nguồn nhân lực (số về hưu, số nghỉ việc, số người không còn làm trong lĩnh vực y tế và số chuyển dịch).

Phải tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống y tế dựa trên nền tảng pháp lý. Cần nhìn nhận từ góc độ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ở đâu và xuất phát từ nhu cầu nào. Từ đó, mình mới có nguồn nhân lực phù hợp đáp ứng nhu cầu này và phải được đặt hàng cho các cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe, như thế mới đồng bộ.

Điều chỉnh viện phí là nhu cầu cấp bách ảnh 2 PGS-TS Nguyễn Thanh Hiệp

* Với việc thiếu hụt lãnh đạo trong thời gian gần đây, ngành y tế có cách làm gì tạo chuyển biến?

* PGS-TS TĂNG CHÍ THƯỢNG: Trong các bệnh viện hạng nhất, chỉ có Bệnh viện Mắt TPHCM là thiếu giám đốc, trong khi một số bệnh viện tuyến huyện cũng thiếu lãnh đạo và lãnh đạo sở đang có sự điều chuyển. Lần đầu tiên Sở Y tế kiến nghị UBND TPHCM tổ chức thi tuyển lãnh đạo Bệnh viện Mắt.

Đây là cách làm hay nhất, khi kết hợp quy hoạch tốt và tổ chức thi tuyển công khai minh bạch. Sở sẽ rút kinh nghiệm để triển khai thi tuyển chức danh giám đốc ở các bệnh viện thành phố và quận, huyện.

* PGS-TS NGUYỄN THANH HIỆP: Nhà trường đang nghiên cứu, đứng ra thành lập viện đào tạo cán bộ quản lý y tế. Đầu vào có thể là những người làm chuyên môn, có thể là bác sĩ, điều dưỡng, thậm chí không phải là bác sĩ, điều dưỡng nhưng học chuyên về quản lý hệ thống y tế. Trường sắp mở thêm mã ngành cử nhân quản trị bệnh viện và cử nhân quản lý kinh tế y tế để tăng cường năng lực quản lý y tế của bệnh viện cũng như hệ thống y tế khác.

Tin cùng chuyên mục