* Nhiều nước điều động phương tiện đến hỗ trợ
* Hai máy bay của AirAsia lại gặp sự cố tại Thái Lan và Philippines
Ngày 30-12, một tàu chiến Indonesia đã phát hiện và vớt được 3 thi thể nạn nhân trên chiếc máy bay mang số hiệu QZ8501 của Hãng hàng không AirAsia, bị mất tích hôm 28-12.
Cơ quan tìm kiếm và cứu hộ Indonesia tuyên bố đã xác định được vị trí của chiếc máy bay rơi cùng các vật thể áo phao, hành lý và mảnh vỡ máy bay ở khu vực ngoài khơi Kalimatan vùng biển cách Pangkalan Bun 160 km về phía Tây Nam.
Điều thợ lặn đến vùng biển máy bay rơi
Cho đến chiều tối 30-12, các đơn vị tìm kiếm của Cơ quan Tìm kiếm và Cứu nạn quốc gia Indonesia và Hải quân Indonesia vẫn tiếp tục thu nhặt các mảnh vỡ máy bay và tìm kiếm thi thể nạn nhân. Tuy nhiên, chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ chiếc máy bay xấu số QZ8501 đã phải tạm ngừng do thời tiết xấu và sóng to, cao từ 2m - 3m. Hoạt động này sẽ được tiếp tục ngay khi điều kiện thời tiết thuận lợi.
Khoanh vùng vị trí chiếc máy bay.
Trước đó, người phát ngôn Hải quân dẫn nguồn tin trên đài phát thanh hải quân cho biết một tàu chiến đã trục vớt được 40 thi thể. Tuy nhiên, sau đó người đứng đầu Cơ quan tìm kiếm và cứu hộ quốc gia Indonesia, ông Bambang Soelistyo cho biết hiện lực lượng cứu hộ mới chỉ trục vớt được 3 thi thể. Ông Soelistyo khẳng định 3 thi thể này gồm 2 nữ và 1 nam.
Chuyển túi đựng thi thể lên máy bay đưa ra biển.
3 thi thể này được phát hiện trên vùng biển Java, cách nơi máy bay QZ8501 phát đi tín hiệu cuối cùng khoảng 10km. Giám đốc lực lượng tìm kiếm và cứu hộ Indonesia SB Supriyadi cho biết các thi thể bị trương phình, song vẫn còn nguyên vẹn. Những nạn nhân này không mặc áo cứu hộ. Trong khi đó, người đứng đầu Cơ quan tìm kiếm và cứu hộ Indonesia Bambang Soelistyo cũng khẳng định 95% các mảnh vỡ như cánh cửa hành khách và cánh cửa khoang hàng của máy bay được tìm thấy ở khu vực ngoài khơi bờ biển Kalimantan cách Pangkalan Bun 160 km về phía Tây Nam, thuộc thị trấn Trung Kalimantan, đảo Borneo của nước này là của máy bay QZ8501.
Trước các thông tin trên, các tàu hải quân và một đội hơn 20 thợ lặn của Indonesia được điều đến vị trí nghi là máy bay QZ8501 đã chìm để thực hiện nhiệm vụ. Toàn bộ lực lượng tìm kiếm và cứu hộ đã được điều đến đây với với nhiệm vụ tìm và vớt tất cả các vật thể và thi thể hành khách. Các thợ lặn sẽ lặn xuống độ sâu khoảng 25m - 30m dưới mực nước biển để tìm kiếm chiếc máy bay mất tích.
Cơ quan Tìm kiếm và Cứu hộ quốc gia Indonesia (Basarna) cho biết họ đã chuyển các túi đựng thi thể tới Pangkalan Bun để chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất. Trong một diễn biến khác, Cảnh sát trưởng quốc gia Indonesia, Tướng Sutarman cho biết cảnh sát đang thu thập mẫu ADN từ các gia đình của các nạn nhân nhằm nhanh chóng triển khai việc nhận dạng các hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay không may mắn này.
Trước thông tin này, chia sẻ trên trang Twitter cá nhân, Chủ tịch tập đoàn hãng AirAsia Tony Fernandes đã không giấu nổi sự đau xót: “Trong tôi lúc này là một nỗi buồn không kể xiết. Lời nói không thể diễn tả hết nỗi đau xót. Thay mặt cho hãng hàng không AirAsia, tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới người nhà các nạn nhân trên chuyến bay QZ8501”.
Bé gái vẫn hy vọng người thân trên chuyến bay xấu số sẽ trở về.
Nhiều nước điều động phương tiện đến hỗ trợ
Các thông tin mới nhất của chiếc máy bay mất tích đã khiến chiến dịch tìm kiếm đất liền vừa được triển khai vào sáng cùng ngày của Indonesia tạm ngưng. Hoạt động tìm kiếm máy bay trên biển tiếp tục được tiến hành trong ngày 30-12. Ba tàu của Hải quân Hoàng gia Malaysia và ba máy bay của Lực lượng Không quân Malaysia đã được triển khai để hỗ trợ việc tìm kiếm và cứu nạn chiếc máy bay mất tích. Giới chức Mỹ cho biết trước đề nghị của Indonesia, Mỹ đã điều một tàu khu trục để giúp tìm kiếm chiếc máy bay. Theo kế hoạch, tàu khu trục USS Sampson sẽ tới khu vực tìm kiếm máy bay QZ8501 trong ngày 30-12. Cũng trong ngày, New Zealand đã điều một máy bay P3 Orion của không quân nước này tới tham gia chiến dịch quốc tế tìm kiếm chiếc máy của hãng AirAsia. Chính phủ Trung Quốc cũng cử máy bay và tàu chiến tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn máy bay QZ8501. Tàu hộ vệ tên lửa Hoàng Sơn của Hải quân Trung Quốc đã di chuyển đến vùng biển máy bay gặp nạn. Máy bay của Không quân Trung Quốc cũng đã triển khai các công tác chuẩn bị, điều phối đường bay với các nước hữu quan. Lực lượng tìm kiếm cứu nạn trên biển của Trung Quốc cũng đã chuẩn bị sẵn sàng, có thể xuất phát vào bất cứ lúc nào đến vùng biển liên quan để chi viện công tác tìm kiếm cứu nạn. Theo CNA, ngày 30-12, 4 chuyên gia của Cục Điều tra Tai nạn hàng không Singapore cùng hai bộ thiết bị dò tín hiệu dưới nước cũng đã đến vùng Biển Java của Indonesia. Các thiết bị này có khả năng phát hiện những tiếng “ping” được phát ra mỗi giây một lần của hộp đen.
HẠNH CHI (tổng hợp)
|
>> Vụ tìm kiếm máy bay QZ8501 mất tích: Mở rộng tìm kiếm trên đất liền