Định vị "thương hiệu" trường chuyên - Bài 3: Bứt phá trong đào tạo mũi nhọn

Tháng 1-2022, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết Đề án “Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020”. Một năm sau đó, Quy chế mới về tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên được ban hành, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng hoạt động của trường chuyên. Tuy nhiên, để mô hình này bứt phá, cần “cú hích” mạnh mẽ hơn về cơ chế và chính sách, nhất là chiến lược phát triển nhân tài.

Đà Nẵng khen thưởng em Lê Ngọc Bảo Anh, học sinh lớp 12, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đoạt huy chương đồng kỳ thi Olympic tin học châu Á - Thái Bình Dương năm 2023. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Đà Nẵng khen thưởng em Lê Ngọc Bảo Anh, học sinh lớp 12, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đoạt huy chương đồng kỳ thi Olympic tin học châu Á - Thái Bình Dương năm 2023. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Vai trò dẫn dắt hệ thống

Sau hơn 10 năm thực hiện Đề án “Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020”, số lượng trường chuyên trên cả nước đã tăng từ 68 trường (năm 2010) lên 77 trường (năm 2020). Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều có 1-2 trường chuyên, phù hợp với điều kiện và mục tiêu phát triển của địa phương. Đến nay, có 60/77 trường chuyên được công nhận chuẩn quốc gia nhờ được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Về quy mô học sinh, mặc dù số lượng học sinh của trường chuyên chỉ chiếm khoảng 2,7% tổng số học sinh THPT cả nước, nhưng đây là nguồn lực chủ chốt mang về thành tích cho đội tuyển Việt Nam tại các cuộc thi Olympic khu vực và quốc tế. Chỉ tính riêng giai đoạn 2013-2022, thành tích của học sinh Việt Nam tại các cuộc thi quốc tế tăng cao cả về số lượng lẫn chất lượng. Riêng đối với các tỉnh miền núi, địa bàn khó khăn, trường chuyên góp phần đáng kể vào việc nâng cao chất lượng giáo dục học sinh, trình độ giáo viên cũng tăng lên rõ rệt.

Hiện nay, hầu hết các tỉnh, thành phố đều quy định chính sách đặc thù để thu hút giáo viên giỏi về trường chuyên; đồng thời đầu tư kinh phí cho việc bồi dưỡng, phát triển chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ tin học và ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trường chuyên. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhận xét, đầu tư cho hệ thống trường chuyên trong những năm qua đã đi đúng hướng, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, các địa phương đều cho rằng, Bộ GD-ĐT cần sớm hoàn thiện Đề án “Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2022-2032” để tiếp nối thành quả đã đạt được, phát huy vai trò dẫn dắt của hệ thống trường chuyên đối với mục tiêu đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo.

Mới đây, tại buổi gặp mặt và tuyên dương học sinh đoạt giải Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2023, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân - hiện nay là Quyền Chủ tịch nước, yêu cầu ngành giáo dục và đào tạo tiếp tục đề xuất các chính sách phát hiện, bồi dưỡng nhân tài. Mục tiêu mà trường chuyên đang hướng đến không phải “nuôi gà chọi” đi thi đấu mà là giúp học sinh có điều kiện cọ xát, trở thành nhân lực có tiềm năng phát triển trong tương lai. Để đạt được mục tiêu đó, theo GS Nguyễn Lân Dũng, nguyên chuyên viên cao cấp, Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học (Đại học Quốc gia Hà Nội), công tác đào tạo phải tổng hợp sức mạnh của nhiều nguồn lực, có giải pháp kết nối hai bậc phổ thông và đại học, thậm chí tận dụng cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên của các trường đại học để nâng cao hiệu quả hoạt động của trường chuyên.

GS ĐÀO TRỌNG THI, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Không chạy theo số đông

Các quốc gia phát triển có thể không cần đến trường chuyên, vì đầu tư cho giáo dục của họ đồng bộ, bất cứ môi trường nào học sinh cũng phát huy được năng lực, năng khiếu của mình. Nhưng Việt Nam thì khác, khi chưa có đủ điều kiện đầu tư toàn bộ thì trường chuyên như một bước đi tắt, đón đầu của giáo dục, phải có đầu tư trọng điểm để chọn lựa những học sinh ưu tú vào trường chuyên. Đây chính là đầu tư của Nhà nước để tạo ra nhân tài - một trong những mục tiêu ưu tiên hàng đầu của giáo dục. Song cũng vì thế, trường chuyên không thể chạy theo số lượng, vì nhân tài không thể là số đông.

Đầu tư có trọng điểm

Bên cạnh các kết quả đã đạt được, theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, hệ thống trường chuyên còn một số hạn chế như: vẫn còn tình trạng trường chuyên chưa đạt chuẩn quốc gia; địa phương nặng về bồi dưỡng học sinh giỏi, chưa chú trọng kỹ năng thực hành, thí nghiệm, nghiên cứu khoa học, phát triển kỹ năng mềm cho học sinh; việc tổ chức dạy học thí điểm các môn khoa học bằng tiếng Anh còn hạn chế; liên thông giữa bậc phổ thông và đại học chưa sâu rộng… Trước thực tế đó, Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương không xem đào tạo chuyên chỉ nhằm mục đích có thành tích, giải thưởng. Thay vào đó, các thầy, cô giáo phải dạy học toàn diện cho học sinh, kể cả các môn không chuyên. Nếu chỉ chăm chú vào môn chuyên mà bớt đi các môn khác sẽ dẫn đến việc học sinh bị thiên lệch kiến thức. Cần xác định trường chuyên là môi trường áp dụng các phương pháp giáo dục đặc biệt, hướng đến mục tiêu phát huy năng lực tự học, khích lệ tài năng phát triển chứ không giới hạn trong một lĩnh vực, môn học nào.

Vài năm trở lại đây, ngoài trường chuyên, nhiều địa phương còn xây dựng hệ thống trường chất lượng cao, trường trọng điểm theo mô hình tiên tiến, hội nhập quốc tế để đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của học sinh. Ở một số nơi, trường chuyên được phát triển theo mô hình chất lượng cao, không đúng với sứ mệnh ban đầu được giao phó. Đơn cử tại TPHCM, ngoài 2 trường theo mô hình chuyên là THPT chuyên Lê Hồng Phong và THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, thành phố còn tuyển sinh lớp 10 chuyên tại một số trường THPT công lập khác, đồng thời phát triển 3 trường THPT công lập theo mô hình tiên tiến.

Một nhà giáo nguyên là hiệu trưởng một trường THPT công lập tại TPHCM cho rằng, mô hình lớp chuyên trong trường THPT không chuyên chưa mang lại hiệu quả rõ rệt trong đào tạo học sinh giỏi. Minh chứng rõ nhất cho điều này là hàng năm, tỷ lệ chọi vào lớp 10 chuyên của các trường THPT công lập (không theo mô hình chuyên) xấp xỉ “1 chọi 2” học sinh, một số trường có số lượng học sinh đăng ký nguyện vọng thấp hơn chỉ tiêu tuyển sinh. Trong khi đó, trường theo mô hình tiên tiến chưa tạo được dấu ấn nổi bật trong việc tạo nguồn học sinh giỏi. Từ thực tế trên, nhà giáo này kiến nghị cơ quan quản lý đánh giá toàn diện hiệu quả đào tạo chuyên trong các trường công lập, tránh việc đầu tư dàn trải gây lãng phí nguồn lực, đồng thời mất đi cơ hội học tập của những học sinh khác.

Theo PGS-TS Trần Xuân Nhĩ, giáo dục đại trà có thể huy động nguồn lực xã hội hóa, song đào tạo mũi nhọn cần sự đầu tư tập trung của ngân sách để thực hiện vai trò “đầu tàu”, trở thành hình mẫu để thực thi các chính sách, đóng góp đáng kể vào việc tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho các địa phương. Ngoài ra, vấn đề mà các chuyên gia, nhà giáo dục hiện nay đang mong mỏi là Bộ GD-ĐT thống kê bao nhiêu học sinh trường chuyên làm việc đúng chuyên ngành đào tạo ở bậc phổ thông, bao nhiêu em lập nghiệp ở nước ngoài. Chỉ khi có được thống kê đó, “tiếng nói” của trường chuyên mới thực sự có trọng lượng, làm cơ sở để định lượng hệ thống cơ chế, chính sách đúng đối tượng, trúng mục đích.

Hàng chục tỷ đồng khen thưởng học sinh giỏi

Năm học 2023-2024, TP Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh giỏi cấp quốc gia, đứng thứ hai là TPHCM. Nếu như Hà Nội quy định các mức khen thưởng khá khiêm tốn thì tại TPHCM, học sinh đoạt giải nhất quốc gia được thưởng 50 triệu đồng, giải nhì được thưởng 40 triệu đồng và giải ba được thưởng 30 triệu đồng. Chỉ tính riêng năm học 2023-2024, TPHCM đã chi 5 tỷ đồng để khen thưởng học sinh đoạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia. Tuy nhiên, TPHCM chỉ đứng thứ 3 cả nước về mức khen thưởng học sinh đoạt giải nhất quốc gia. Hiện nay, địa phương dẫn đầu cả nước về mức khen thưởng học sinh đoạt giải nhất quốc gia là Kiên Giang với 100 triệu đồng/học sinh, kế đến là Quảng Nam với 65 triệu đồng/học sinh.

Ở cấp độ thi quốc tế, căn cứ theo Nghị định 110/2020/NĐ-CP (ban hành ngày 15-9-2020) của Chính phủ về quy định chế độ khen thưởng đối với học sinh, sinh viên, học viên đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế, học sinh giành huy chương vàng Olympic quốc tế được thưởng 55 triệu đồng, huy chương bạc được thưởng 35 triệu đồng và huy chương đồng được thưởng 25 triệu đồng. Ngoài ra, hầu hết các địa phương đều có chính sách riêng khen thưởng học sinh đoạt giải quốc tế. Hiện nay, dẫn đầu cả nước về mức chi tiền thưởng đối với học sinh đoạt huy chương vàng quốc tế là tỉnh Quảng Ninh với 700 triệu đồng, kế đến là Bắc Ninh và Hải Phòng với cùng mức thưởng 500 triệu đồng. Một số tỉnh khó khăn như Tuyên Quang cũng quy định mức thưởng 250 triệu đồng/học sinh đoạt huy chương vàng quốc tế.

Tin cùng chuyên mục