“Đỏ mắt” tìm sản phẩm thân thiện môi trường

12% – 13% là con số tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm xanh trên thế giới trong năm vừa qua, bất chấp tình hình khủng hoảng kinh tế. Điều này chứng tỏ nguồn cung sản phẩm xanh tại các nước trên thế giới hiện khá dồi dào. Còn tại nước ta, nhiều biện pháp kinh tế đang được áp dụng nhằm thay đổi thói quen của người tiêu dùng từ sử dụng sản phẩm chưa xanh sang sản phẩm xanh. Chỉ có điều nguồn cung sản phẩm thân thiện môi trường lại ở tình trạng cực kỳ hiếm. Đâu là nguyên nhân của vấn đề này?
“Đỏ mắt” tìm sản phẩm thân thiện môi trường

12% – 13% là con số tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm xanh trên thế giới trong năm vừa qua, bất chấp tình hình khủng hoảng kinh tế. Điều này chứng tỏ nguồn cung sản phẩm xanh tại các nước trên thế giới hiện khá dồi dào. Còn tại nước ta, nhiều biện pháp kinh tế đang được áp dụng nhằm thay đổi thói quen của người tiêu dùng từ sử dụng sản phẩm chưa xanh sang sản phẩm xanh. Chỉ có điều nguồn cung sản phẩm thân thiện môi trường lại ở tình trạng cực kỳ hiếm. Đâu là nguyên nhân của vấn đề này?

Đồng loạt áp dụng nhiều biện pháp kinh tế

Giá cả hàng hóa tăng trở thành chủ đề được đề cập nhiều trong những tháng đầu năm 2011. Nguyên nhân tăng giá hàng hóa được lý giải do tăng giá điện, than, nước, dầu… Tuy nhiên, còn một nguyên nhân khác đang diễn ra khá âm thầm nhưng đã gây ảnh hưởng rất lớn đến giá cả hàng hóa là tăng chi phí đầu tư cho xử lý môi trường.

Từ Nghị định 117 có hiệu lực vào tháng 3-2010 (thay thế Nghị định 81). Theo đó, mức phạt đối với hành vi vi phạm môi trường tăng từ 70 triệu đồng lên 500 triệu đồng đã kéo theo hàng loạt những hiệu ứng tích cực nhưng cũng không ít hiệu ứng tiêu cực đi kèm.

Hiệu ứng tích cực là tạo động lực để các doanh nghiệp đầu tư tốt hơn cho công tác bảo vệ môi trường, tự giác hơn trong việc chấp hành Luật Bảo vệ môi trường. Thế nhưng, hiệu ứng khác tác động không ít đến đời sống người dân chi phí đầu tư, xử lý chất thải cũng đua nhau tăng giá.

Ông Nguyễn Trung Việt, Trưởng phòng quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, giá thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại tại các thành phố lớn tăng từ 4 triệu đồng/tấn lên 12 triệu - 40 triệu đồng/tấn. Hóa chất xử lý nước thải, khí thải cũng tăng từ 3 – 4 lần so với năm 2009…

Chọn mua sản phẩm xanh của Công ty Unilever. Ảnh: CAO THĂNG

Chọn mua sản phẩm xanh của Công ty Unilever. Ảnh: CAO THĂNG

Không dừng lại đó, theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Văn Đức, hiện cơ sở hạ tầng để đáp ứng yêu cầu xử lý môi trường của doanh nghiệp thiếu nghiêm trọng. Nhất là những doanh nghiệp có đủ năng lực tư vấn, đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải dẫn đến tình trạng cầu vượt quá cung. Kéo theo là chi phí đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải bị hét lên trời khiến không ít doanh nghiệp rơi vào tình cảnh lao đao… Và dĩ nhiên tất cả những chi phí trên đều được chủ đầu tư hoạch toán vào giá thành sản phẩm và đánh trực tiếp lên túi người tiêu dùng.

Một quan ngại khác, đầu năm 2012, nước ta sẽ triển khai đánh thuế môi trường đối với những sản phẩm không thân thiện môi trường. Mức đánh thuế giao động từ 15% - 150% tùy vào sản phẩm. Việc đánh thuế đã và sẽ một lợi thế cạnh tranh về giá các sản phẩm thân thiện môi trường. Chỉ có điều, hiện trên thị trường chưa hề có sự chuẩn bị nguồn cung ứng sản phẩm thân thiện môi trường thay thế các sản phẩm trên. Vì vậy khó tránh túi tiền người dân sẽ tiếp tục thâm thủng vì giá cả hàng hóa lại có dịp leo thang.

Tìm đâu ra sản phẩm thân thiện môi trường?

Khủng hoảng kinh tế đã và đang khiến người dân thắt chặt chi tiêu. Hơn lúc nào hết, để quyết định mua một sản phẩm, mỗi người dân phải so đo, tính toán và tìm hiểu thông tin về sản phẩm rất kỹ. Đây cũng là thách thức cho sản phẩm xanh nhưng cũng là cơ hội để các sản phẩm xanh được quan tâm, chú ý nếu tự quảng bá mình tốt hình ảnh của mình. Thế nhưng tại các siêu thị, rất khó để có thể tìm ra sản phẩm thân thiện môi trường.

Tại kệ sản phẩm hóa chất tẩy rửa siêu thị Co.op Lý Thường Kiệt TPHCM, chị Nguyễn Thị Thúy Lan, khu phố 3, Học Lạc, phường 14 quận 5 cho biết, nghe nói nhà nước chuẩn bị đánh thuế môi trường lên mặt hàng hóa chất tẩy rửa nên tôi đang cố tìm sản phẩm này nhưng được chứng nhận thân thiện môi trường để so giá. Song tìm gần 10 phút vẫn chưa ra. Thử phụ tìm kiếm, chúng tôi chỉ thấy có duy nhất sản phẩm Duck (Con Vịt) có ký hiệu vòng tròn bao quanh cây màu xanh và ghi dòng chữ “cam kết bảo vệ môi trường”. Thế nhưng, cam kết này chỉ do doanh nghiệp tự thực hiện chứ chưa được cơ quan chức năng nào chứng nhận nên tính xác thực cũng không cao.

Kế đến, sản phẩm comfort một lần xả cũng được xem là sản phẩm thân thiện môi trường hiếm hoi được tìm thấy nhờ tính năng tiết kiệm tài nguyên nước. Tương tự, tại các siêu thị khác như Big C, Maximax, Citimart…, người tiêu dùng dù rất có nhu cầu nhưng cũng không tìm ra những sản phẩm thân thiện môi trường.

Lý giải thực tế này, ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Quỹ tái chế chất thải TPHCM cho rằng, do nhà nước chưa luật hóa việc sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường; nhận thức của doanh nghiệp cũng như cộng đồng về vấn đề tiêu dùng xanh chưa cao. Và quan trọng hơn hết, điều kiện kinh tế hoàn cảnh người dân nói chung chưa đủ giàu để thực hiện tiêu dùng xanh. Những sản phẩm thân thiện môi trường thường có giá thành cao hơn những sản phẩm thông thường.

Trong thời điểm giá cả leo thang như hiện nay, việc thắt chặt chi tiêu đang được người dân áp dụng triệt để. Điều này rất khó phát triển định hướng tiêu dùng xanh trong xã hội. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, phát triển tiêu dùng xanh đã và đang thành xu hướng trên thế giới. Việt Nam không thể nằm ngoài xu hướng này.

Để sản phẩm xanh trở thành sản phẩm thông dụng trong xã hội, có khả năng thay thế được sản phẩm cùng loại chưa thân thiện môi trường thì ngoài việc tuyên truyền, vận động người tiêu dùng sử dụng sản phẩm xanh, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc tạo ra nguồn cung phong phú, đa dạng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận và sử dụng sản phẩm xanh.

Trong khi đó, việc áp dụng biện pháp kinh tế nhằm thay đổi thói quen tiêu dùng sản phẩm chưa xanh cũng cần nên điều chỉnh theo lộ trình dài hơi hơn, tránh làm phát sinh quá nhiều chi phí sản xuất cùng một lúc, gây ảnh hưởng giá thành sản phẩm, suy giảm chất lượng cuộc sống người dân.

Ông Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện bộ và các địa phương đang triển khai dán nhãn xanh cho sản phẩm thân thiện môi trường. Thế nhưng số lượng doanh nghiệp tham gia còn hạn chế. Hiện các cơ quan chức năng đang hoàn thiện chính sách hỗ trợ vốn, thuế, giá thành sản phẩm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển dòng sản phẩm thân thiện môi trường, hướng đến phát triển tiêu dùng xanh, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế nhanh nhưng bền vững.

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục