Tỷ lệ mắc bệnh cao
Theo Giám đốc của WHO phụ trách khu vực Tây Thái Bình Dương Takeshi Kasai, tất cả quốc gia ở khu vực châu Á đang có ca mắc Covid-19 đều đang chứng kiến khá nhiều người trẻ trong độ tuổi 20-40 mắc bệnh và tử vong do virus SARS-CoV-2. Cũng theo ông Kasai, đây là dấu hiệu cho thấy thế giới đang bước vào một giai đoạn mới của dịch Covid-19, tuy nhiên các nước có thể hạn chế ảnh hưởng của dịch bệnh đối với cuộc sống của con người cũng như nền kinh tế bằng cách kết hợp các biện pháp phát hiện sớm và kiểm soát các ca mắc bệnh.
Mới đây, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) tại Mỹ công bố các phân tích bước đầu cho thấy, người Mỹ ở độ tuổi trẻ hơn cũng có tỷ lệ mắc bệnh tương đương với những người cao tuổi. Thậm chí, các dữ liệu tới nay còn cho thấy nhóm người bệnh trong độ tuổi 22-44 tới bệnh viện điều trị Covid-19 cao hơn những người từ 75 tuổi trở lên.
Tại châu Âu, những người trong độ tuổi 20-39 đang chiếm tỷ lệ đáng kể số ca mắc Covid-19 mới - điều trái ngược với tình thế diễn ra ở đợt bùng phát dịch hồi tháng 3 và tháng 4, khi người cao tuổi chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số các ca bệnh. Bộ Y tế Đức cho biết, độ tuổi trung bình của những người mắc bệnh là 34, thấp nhất kể từ khi dịch bùng phát. Theo dữ liệu từ Viện Robert Koch, các nhóm tuổi 20-29 và 30-39 chiếm 37,5% số trường hợp mắc mới ở Đức. Tại Hà Lan, cơ quan y tế RIVM đưa ra con số tương đương là 41%. Tại Pháp, cơ quan y tế cho biết trong tháng 8, tỷ lệ mắc Covid-19 trên 100.000 cư dân trong độ tuổi 20-29 đã tăng lên gần 45%, so với 7% vào đầu tháng 5.
Nguồn lây từ thực phẩm?
Một mối lo khác là lây lan dịch Covid-19 qua thực phẩm. Trung Quốc đang siết chặt kiểm soát nguồn thực phẩm nhập khẩu sau khi phát hiện SARS-CoV-2 trên bao bì đóng gói tôm nhập khẩu từ Ecuador và bề mặt cánh gà nhập khẩu từ Brazil. Hồi tháng 6, Trung Quốc còn phát hiện SARS-CoV-2 trên thớt thái cá hồi nhập khẩu tại một khu chợ ở Bắc Kinh. Tại New Zealand, sau khi ghi nhận ca mắc bệnh đầu tiên trong hơn 3 tháng qua, cơ quan y tế nước này đặt vấn đề có thể dịch bệnh lây lan từ đường vận chuyển hàng hóa, do một trong những ca mắc mới là người làm việc tại cửa hàng nhập khẩu hàng đông lạnh từ nước ngoài.
Theo đánh giá của các chuyên gia Singapore, vẫn có khả năng con người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 từ các thực phẩm đông lạnh nhưng nguy cơ này là rất thấp. Giáo sư Dale Fisher, cố vấn cao cấp về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đại học quốc gia Singapore, cho biết, virus SARS-CoV-2 vẫn có thể tồn tại được trên các thực phẩm đông lạnh trong 3 tuần ở nhiệt độ 40C. Ông Michael Ryan, người đứng đầu các chương trình khẩn cấp của WHO, khẳng định chưa có bằng chứng nào cho thấy thực phẩm hay chuỗi thực phẩm góp phần trong sự lây lan của virus. Đây cũng là quan điểm của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cùng Bộ Nông nghiệp nước này, khi đưa ra tuyên bố chung: “Không có bằng chứng cho thấy con người có thể mắc Covid-19 từ thực phẩm hay bao bì thực phẩm”.