Đề án sau cai nghiện ở TPHCM

Đoạn kết có hậu trong cuộc chiến giành lại từng con người

Đoạn kết có hậu trong cuộc chiến giành lại từng con người

Tháng 10-2003, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy tại TPHCM” (gọi tắt là đề án sau cai nghiện) mà trước đó Quốc hội khóa XI đã chấp thuận cho TPHCM làm thí điểm. Hơn 1 năm thực hiện, đề án đã dành lại phần nhân cách bị khiếm khuyết cho hơn 30.000 người nghiện.

  • Cuộc chiến đầy cam go
Đoạn kết có hậu trong cuộc chiến giành lại từng con người ảnh 1

Niềm vui của các cô dâu chú rể là người sau cai nghiện trong ngày đám cưới tập thể. Ảnh: H.T.

Tập trung hơn 30.000 học viên cai nghiện, (chiếm 2/3 số người nghiện trong cả nước) vào các trường và trung tâm cai nghiện là công việc không đơn giản. Càng phức tạp và khó khăn hơn khi đây là đề án thí điểm, số người nghiện có tiền án, tiền sự chiếm 38%, hơn 50% bị mù chữ hoặc chỉ học đến tiểu học, 50% sức khỏe kém.

TPHCM đã phải đầu tư gần 800 tỷ đồng để nâng cấp, xây mới 20 trường, trung tâm cai nghiện để kết hợp cai nghiện cùng với dạy văn hóa và đào tạo nghề cho học viên.

Đến nay đã có trên 10.000 học viên được học văn hóa, gần 22.000 người được đào tạo nghề và không còn học viên mù chữ. T. học viên đang cai nghiện tại Trung tâm Đức Hạnh (tỉnh Bình Phước) hớn hở khoe vừa tốt nghiệp lớp học sửa chữa xe máy và “sẽ tiếp tục học thêm khóa tin học ứng dụng do Trường Công nhân kỹ thuật TP mở tại đây. Em muốn khi hồi gia có thể mở tiệm sửa xe máy hay cửa hàng máy tính”.

Mới đây, khi trả lời đoàn nhà báo nước ngoài đến thăm Trung tâm Nhị Xuân, ông Danh Quý, Giám đốc trung tâm, nhấn mạnh: “Từ một người nghiện ngập, không biết chữ, không nghề nghiệp, trộm cắp, tù tội, đến nay họ đã có được việc làm và thu nhập ổn định. Đồng lương tuy chưa cao, thậm chí là quá thấp so với những gì họ tiêu xài phung phí trước đây nhưng cái chính là họ đã từ bỏ được ma túy và tìm lại được nhân cách, cũng như giá trị của cuộc sống”.

Đã có nhiều người sau cai nghiện tình nguyện gia nhập lực lượng TNXP và xin định cư lâu dài trên mảnh đất đã giúp họ làm lại cuộc đời. Diễn viên điện ảnh Nguyễn Huỳnh, chỉ vì một lần nông nổi đã trót dính vào ma túy. Sau 4 năm học tập và rèn luyện tại Trường 1 (tỉnh Đắc Nông), anh tình nguyện ở lại đây và gia nhập lực lượng TNXP. Giờ đây, thời gian và tâm sức của anh được dùng hết cho việc viết kịch bản sân khấu “Tôi bây giờ đã khác, một con người vừa được tái sinh. Tôi không làm chủ được hoàn cảnh nhưng tôi có trách nhiệm đối đầu với nó” - lời của một nhân vật trong tác phẩm anh viết cũng chính là nỗi niềm của anh.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài, người “tổng chỉ huy” trong đề án sau cai nghiện đã nhận định: phòng chống ma túy là mặt trận đầy cam go, thử thách nhưng TP quyết tâm làm cho bằng được. Đến thời điểm này có thể khẳng định, đề án sau cai nghiện đã đi đúng hướng, có sức lan tỏa mạnh trong cuộc sống và tạo được niềm tin cho nhân dân.

  • Giành giật lại từng con người
Đoạn kết có hậu trong cuộc chiến giành lại từng con người ảnh 2

Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH (người đứng giữa) thăm và đánh giá cao mô hình sau cai nghiện tại TPHCM. Ảnh: H.T.

Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM Nguyễn Văn Minh đưa ra phép tính: Đề án đã tiết kiệm trên 328 tỷ đồng/năm nếu tính mỗi con nghiện chi 30.000 đồng/ngày để mua ma túy và chưa nói đến những tệ nạn phát sinh do ma túy, nhất là các tội phạm hình sự có liên quan đến ma túy.

Bên cạnh đó, các học viên đã biết làm ra của cải vật chất cho xã hội, biết quý trọng sức lao động. H.C hiện đang cai nghiện tại Trung tâm Phú Văn đã khóc như một đứa trẻ khi được lãnh đạo trung tâm đứng ra tổ chức đám cưới cho mình và các bạn cùng cảnh với mình.

C. tâm sự: “Cuộc đời em những tưởng bỏ đi nhưng chính tại nơi đây em có lại được mái ấm gia đình. Hết thời gian tập trung em sẽ tình nguyện ở lại đây lập nghiệp”.

Còn mẹ của M.H trong ngày con mình được kết nạp vào Công đoàn Trung tâm Nhị Xuân xúc động nói: “Tôi bất ngờ vì không nghĩ điều này sẽ xảy ra. Cảm ơn những người đã mang lại niềm tin cho những người trót dại như con tôi”.

Trong lần thăm và làm việc tại một số trường và trung tâm cai nghiện ma túy của TPHCM, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Nguyễn Thị Hằng đã ghi nhận: “Đây là đề án mang đậm tính nhân văn. Thành công của TPHCM sẽ trở thành mô hình tốt để nhân rộng cho các địa phương khác về công tác cai nghiện và giải quyết việc làm sau cai nghiện”. Những gì đã đạt được trong hơn 1 năm qua cùng với niềm tin và sự đồng thuận của xã hội là điểm tựa cho TPHCM có thêm sức mạnh để thực hiện thành công đề án sau cai nghiện.

HỒ VIỆT
 

Tin cùng chuyên mục