- Nên mừng chớ. Số liệu đó cho thấy cả cha mẹ lẫn học sinh ngày càng thực tế hơn. Họ không còn coi trường đại học là một hướng đi bắt buộc, kiểu gì cũng phải nhào vô. Có thực mới vực được đạo, nên nếu chỉ cần học hết phổ thông rồi đi làm để kiếm sống liền thì tại sao phải chen vô đại học, tốn thêm nhiều năm đèn sách.
- Từ chuyện này, nhiều nhà quản lý giáo dục cho rằng được vậy là do công tác hướng nghiệp, phân luồng ở bậc phổ thông đã có hiệu quả hơn. Đánh giá vậy có sát sườn không?
- E rằng phấn khởi như thế thì hơi sớm. Bởi tới giờ mới chỉ biết rằng ngày càng nhiều học sinh không chọn vô đại học mà rẽ ngang sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông. Nhưng cụ thể các em các cháu rẽ vô đâu thì không thấy nói. Bởi lối rẽ khác nhau lắm: vô trường nghề, đi làm cho doanh nghiệp FDI, đi xuất khẩu lao động, du học, hoặc ở nhà chạy xe ôm công nghệ. Chỉ khi nào phân tích đích xác mới biết rõ chuyện hướng nghiệp có hiệu quả hay không.
- À, tức là có khi mấy ông mần giáo dục lại nôn nóng muốn khoe về thành tích hướng nghiệp. Phải phân tích thống kê mới tránh được nạn đoán mò!