Người dân sống ở hai bên bờ kênh không còn cảnh nơm nớp lo sạt lở mỗi khi có triều cường. Công trình cũng trở thành địa điểm để người dân địa phương tản bộ hay tập thể dục.
Ngồi hóng mát trong công viên mới nhìn ra sông Sài Gòn, ông Trần Thái Mạnh (người có nhà bị giải tỏa) nói: “Gia đình tôi từng sống ở đây mấy mươi năm trong căn nhà cơi nới một nửa ở dưới lòng kênh. Nhưng khi khu vực này giải tỏa để làm dự án xây dựng bờ kè, gia đình tôi được bố trí vào ở chung cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, cuộc sống mới đã tốt hơn rất nhiều so với trước. Nay quay lại thấy nơi đây chỉnh trang thành công viên; đường sá thông thoáng thấy rõ; quan trọng là tình trạng hút chích, xì ke, ma túy cũng không còn. Còn bà Lý Thị Danh (ngụ lô K chung cư Thanh Đa, phường 27, quận Bình Thạnh) phấn khởi: “Bờ kè, công viên xây xong không những thoáng mát, sạch đẹp tạo không gian cho người dân vui chơi, tập thể dục mỗi sáng chiều. Điều bà con ở khu vực này vui nhất là không còn tệ nạn xã hội như trước đây”.
Nhìn người dân có nơi sinh hoạt lành mạnh, trẻ con tíu tít vui đùa trong công viên mới, chúng tôi nhớ lại lời của đồng chí Lê Hoàng Quân khi đó là Chủ tịch UBND TPHCM: “Khi bờ kè ven sông hoàn thành, bà con mình đỡ khổ nhiều thứ lắm. Nhà cửa được chỉnh trang, môi trường được cải thiện, cảnh quan được cải tạo, đường sá thông thoáng rồi đời sống tinh thần cũng được nâng lên. Đặc biệt tệ nạn xã hội không còn…”.
Năm nào cũng vậy, tại vị trí xây dựng công trình chống sạt lở kênh Thanh Đa, khi các đợt triều cường lên cao là xuất hiện sạt lở dọc hai bên tuyến kênh. Tài sản của người dân trị giá hàng chục tỷ đồng đã cuốn trôi theo con nước mỗi năm. Trong điều kiện ngân sách TP còn khó khăn nhưng để đảm bảo tính mạng và tài sản cho dân dọc hai bên bờ kênh, UBND TP đã triển khai thực hiện xây dựng bờ kè trên tuyến kênh này.
Ông Trần Văn Giàu, Giám đốc Khu Quản lý Đường thủy nội địa (Sở GTVT TPHCM) cho biết, dự án xây bờ kè Thanh Đa đoạn từ cầu Kinh đến bờ kè Công Đoàn (phường 27, quận Bình Thạnh) có tổng vốn đầu tư 38 tỷ đồng, chưa tính kinh phí giải phóng mặt bằng. Công trình khởi công từ tháng 7-2012, dự kiến hoàn thành trong 11 tháng, nhưng do việc giải phóng mặt bằng kéo dài khiến công trình trễ hẹn nhiều năm gây bức xúc người dân trong khu vực. Sau nhiều năm “lận đận”, đến nay công trình đã hoàn thành.
Theo ông Trần Văn Giàu, để xử lý dứt điểm tình trạng sạt lở trên bán đảo Thanh Đa cần phải triển khai thực hiện đồng bộ các dự án kè còn lại. Tuy nhiên, do nguồn vốn đầu tư đang khó khăn, các dự án mới khó có thể triển khai sớm. Trong khi đó, những công trình đang triển khai thi công lại vướng giải phóng mặt bằng, gây khó khăn cho nhà thầu cả về kinh phí và thời gian.