Qua phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều bạn đọc bức xúc đề nghị lãnh đạo Cục Thuế TPHCM không được “ém nhẹm” thông tin doanh nghiệp (DN) khai báo lỗ, trốn thuế mà phải công khai cho người dân biết để điều chỉnh hành vi tiêu dùng.
Và khi tìm hiểu danh sách DN khai báo lỗ, chúng tôi cũng ngạc nhiên, nhiều “đại gia” quảng cáo rất nhiều trên truyền hình, ai cũng biết đến nhưng không ai ngờ đằng sau đó là khai báo lỗ, trong khi những DN khác cùng ngành lại có lãi! Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Hạnh (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM cho biết:
Thời gian vừa qua, tại cơ quan thuế, công tác tích hợp nối kết thông tin các DN chưa có điều kiện để phác họa bức tranh tổng thể về tình hình hoạt động tại các DN FDI. Do đó chưa đánh giá hết tình hình chuyển giá. Mặt khác, chuyển giá là lĩnh vực mới, các văn bản quy phạm pháp luật chưa điều chỉnh bao quát hết, trình độ cán bộ chưa theo kịp, việc ứng dụng tin học trong quản lý nhà nước lĩnh vực này còn hạn chế. Ngoài ra còn có cả nguyên nhân về quan điểm chống chuyển giá chưa được thông suốt giữa các cơ quan ban ngành (có quan điểm cho rằng làm “gắt” quá sẽ ảnh hưởng môi trường đầu tư...).
- Phóng viên: Có nghĩa là công tác chống chuyển giá cần phải quyết liệt hơn? Vậy, báo chí sẽ cùng tham gia đấu tranh để làm lành mạnh môi trường đầu tư này. Ông có thể thông tin những DN khai báo lỗ bất hợp lý để người dân biết và điều chỉnh hành vi tiêu dùng, không thể hàng ngày người dân Việt Nam tiêu dùng sản phẩm của họ, làm giàu cho họ, mà họ lại không nộp thuế cho nhà nước đồng nào...
- Ông Nguyễn Trọng Hạnh: Số lượng DN khai báo lỗ hiện nay chiếm khoảng 47%, trong đó có một số DN lỗ do mới đầu tư, lỗ do gặp khó khăn... Và đặc biệt có nhiều DN chuyển giá, khai báo không đúng sự thật để né thuế. Trong số DN lỗ, có 465 DN lỗ mất vốn, tức tổng vốn chủ sở hữu của 465 DN này là 4.900 tỷ đồng nhưng số lỗ lại lên đến 7.260 tỷ đồng, “âm” quá 50%.
Lỗ chiếm... 90% doanh thu!
- Ông có thể cho ví dụ điển hình về DN khai lỗ và chiêu thức khai lỗ?
- Khi áp dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế, nối kết được dữ liệu nhiều năm liên tục của các DN chúng tôi đã lọc ra những đối tượng lỗ đáng ngại, lỗ liên tục nhiều năm liền như: Công ty Coca Cola Việt Nam liên tục khai báo lỗ từ khi bắt đầu hoạt động đến nay, có năm số lỗ chiếm gần bằng 1/3 doanh thu. Nguyên nhân lỗ của Coca Cola khai báo: tỷ lệ nguyên phụ liệu trên giá bán rất cao, mà nguyên vật liệu này lại do công ty “mẹ” ở nước ngoài độc quyền cung cấp, do đó giá hương liệu Coca Cola Việt Nam hạch toán vào giá thành chiếm tỷ trọng rất cao (từ 67% - 85% trên giá bán sản phẩm).
- Thưa ông, đó là DN điển hình khai báo lỗ? Còn DN nào khác điển hình về lỗ mà nói đến ai cũng biết nữa không, thưa ông?
- Công ty B.A.T Việt Nam, DN liên doanh sản xuất ra thuốc lá 555, liên tục khai báo lỗ từ năm 2004, có số lỗ rất lớn. Và rất lạ là có năm số lỗ chiếm đến 90% doanh thu. Một DN khác là Metro Cash&Carry Việt Nam (siêu thị Metro) cũng lỗ nhiều năm liền. Mặc dù doanh số bán của Metro Cash mỗi năm lên đến 10.000 tỷ đồng nhưng vẫn... khai lỗ! Ngoài ra, một số công ty khác cũng khai lỗ nhiều năm mà chúng tôi đang lưu ý làm rõ để kiểm tra xử lý. Chẳng hạn như công ty TNHH Tỷ Hùng nhiều năm báo cáo giá vốn cao hơn doanh thu và liên tục đề nghị hoàn thuế; Công ty QMI Intrustrial Việt Nam cũng liên tục khai lỗ và đề nghị hoàn thuế, chúng tôi cũng đang thanh tra làm rõ.
Lời vẫn không phải nộp thuế
- Những năm gần đây, khi Cục Thuế TPHCM đẩy mạnh kiểm tra chống chuyển giá đã gặt hái được nhiều thành quả, DN từ lỗ chuyển sang lời. Vậy tại sao chúng ta lại không quyết liệt hơn nữa, liệu có “mối quan hệ bên trong” nào đó không thưa ông?
- Đúng là có hiệu quả ban đầu, tuy nhiên chỉ mới dừng lại ở việc DN giảm lỗ hoặc có lời nhưng lời để đối phó, chứ chưa phản ánh đúng hoạt động kinh doanh của DN. Chẳng hạn như Công ty Pou Yuen liên tục báo cáo lỗ từ nhiều năm từ khi ra đời 1998 đến 2005, sau đó, chúng tôi đã mời lên làm việc thì DN bắt đầu khai lời nhưng lại chuyển lỗ từ những năm trước sang nên đến nay số thuế đã nộp cho cơ quan thuế không đáng kể. Trong khi đó, hàng năm Pou Yuen liên tục hoàn thuế giá trị gia tăng, số thuế được hoàn tăng qua mỗi năm từ năm 1999 như sau: 12 tỷ đồng; 14 tỷ; 22 tỷ; 28 tỷ; 41 tỷ; 54 tỷ; 65 tỷ; 63 tỷ; 72 tỷ; 111 tỷ, 75 tỷ và 177 tỷ đồng. Tổng cộng Pou Yuen hoàn thuế giá trị gia tăng, đến tháng 10 năm 2011 hơn 744 tỷ đồng.
Do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc cơ chế pháp luật chưa hoàn chỉnh, các hình thức xử phạt chưa đủ sức răn đe DN.
- Như vậy, Cục Thuế phải có giải pháp gì để chống chuyển giá, xử lý DN báo cáo lỗ, chống thất thu thuế cho ngân sách chứ, thưa ông?
- Ngoài các giải pháp kiến nghị xây dựng và hoàn thiện pháp luật, xây dựng bộ máy chuyên nghiệp có đội ngũ cán bộ đủ trình độ làm công tác chống chuyển giá, sắp tới cơ quan thuế sẽ đề xuất phối hợp cùng cơ quan công an và cơ quan ngoại giao để kiểm tra hoạt động doanh nghiệp. Khi xác định DN có thực hiện hành vi chuyển giá chúng tôi sẽ đề nghị Sở Ngoại vụ mời đại diện ngoại giao các nước đến để thông báo tình hình kinh doanh của các DN nước họ đầu tư tại Việt Nam. DN nào tốt thì biểu dương, DN khó khăn thì tìm giải pháp hỗ trợ và DN nào gian lận trong kinh doanh, nộp thuế thì cũng tìm giải pháp xử lý thích đáng.
- Xin cảm ơn ông!
HÀN NI (thực hiện)