Doanh nghiệp bình ổn giá tại TPHCM - Chủ động nguyên liệu, hiện đại hóa sản xuất

Hiện đại hóa để giảm giá thành
Doanh nghiệp bình ổn giá tại TPHCM - Chủ động nguyên liệu, hiện đại hóa sản xuất

Đến với các doanh nghiệp (DN) trong chương trình bình ổn giá của TPHCM vào thời điểm này, không khí làm việc rất khẩn trương, tất bật. Họ không chỉ lo hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, mà còn phải “chạy” kế hoạch cho năm 2013. Hầu hết các DN đều hướng đến việc hiện đại hóa quy trình sản xuất, tiết giảm lao động để đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng, có giá bán cạnh tranh nhất.

Sản xuất sữa bột tham gia bình ổn giá thị trường tại Nhà máy sữa Dielac. Ảnh: Kim Ngân

Sản xuất sữa bột tham gia bình ổn giá thị trường tại Nhà máy sữa Dielac. Ảnh: Kim Ngân

Hiện đại hóa để giảm giá thành

Tại Nhà máy sản xuất sữa bột Dielac của Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk), tất cả dây chuyền sản xuất đều đang hoạt động hết công suất. Dây chuyền này sản xuất sữa bột phục vụ thị trường trong nước, nơi khác sản xuất để xuất khẩu sang Iraq… Những chiếc xe container 40 feet hối hả nối đuôi nhau ăn hàng ra cảng. Chúng tôi rất ngạc nhiên khi hàng hóa chất ngồn ngộn trong các kho, các dây chuyền sản xuất liên tục nhưng chỉ lác đác vài công nhân đứng máy.

Chị Bùi Thị Hương, Giám đốc đối ngoại của Vinamilk cho biết, toàn bộ hệ thống sản xuất đều được tự động hóa. Ngay cả khâu cuối cùng xếp thành phẩm vào thùng, rồi gắp thùng hàng đặt vào các palette cũng do các robot thực hiện, công nhân chỉ thao tác đưa hàng từ palette vào khu vực tập kết nên đã tiết giảm tối đa lao động.

Dự kiến, vào ngày 30-4-2013, Vinamilk sẽ đưa vào hoạt động siêu nhà máy thứ nhất đặt tại Bình Dương, với tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, sẽ nâng công suất tương đương gần bằng 9 nhà máy hiện nay của Vinamilk cộng lại. Nhà máy này hoàn toàn tự động hóa, với vận hành của các robot.

Cùng thời điểm này, Vinamilk cũng sẽ đưa vào hoạt động nhà máy thứ 2 chuyên sản xuất sữa bột trẻ em Dielac 2 ở KCN Việt - Sing, công suất 54.000 tấn/năm, gấp 4 lần công suất hiện có. Ngoài ra, Vinamilk cũng đầu tư thêm nhà máy sản xuất sữa ở New Zealand để tăng sản lượng cho thị trường nội địa và đẩy mạnh xuất khẩu. Mục tiêu phấn đấu của Vinamilk đến năm 2017 sẽ trở thành một trong 50 DN sữa lớn nhất thế giới, với doanh số đạt 3 tỷ USD.

Trong lĩnh vực chăn nuôi gia cầm, gia súc, các DN bình ổn như Ba Huân, Phạm Tôn, Vissan… cũng đang từng bước hiện đại hóa quy trình. Tháng 12-2012 vừa qua, Công ty Ba Huân đưa vào hoạt động trang trại nuôi gà đẻ trứng, đặt tại tỉnh Bình Dương. Toàn bộ hệ thống thiết bị chăn nuôi được khép kín với công nghệ tiên tiến, tự động hóa quy trình từ cung cấp thức ăn, gom thức ăn thừa, thu trứng, thu phân… Dự án mới chỉ hoàn thiện giai đoạn 1, với 14 trại gà, trong đó có 10 trại gà đẻ trứng, công suất 200.000 quả/ngày; 3 trại gà hậu bị và 1 trại gà giống.

Tại trang trại giống đặt ở ấp Việt Kiều, xã Phước Tân, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bà Tôn Thanh Thùy, Giám đốc Công ty Phạm Tôn cho biết, Phạm Tôn hiện đang phát triển khoảng 30.000 con giống, cung ứng cho 9 trang trại nuôi gà thịt và gà đẻ trứng của công ty, đặt tại 2 tỉnh Bình Dương và Đồng Nai để đạt mục tiêu khép kín chuỗi quy trình sản xuất, giết mổ và chế biến, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Riêng đàn gà thịt, công ty đã phát triển tổng đàn lên tới 580.000 con. Hàng ngày Phạm Tôn đưa ra thị trường khoảng 40.000 con gà thịt. Trong đợt sốt trứng gia cầm vừa qua, công ty cũng đã kịp thời cung ứng 50.000 quả trứng/ngày để bình ổn giá… Với việc đầu tư nghiêm túc, Công ty Phạm Tôn là DN chăn nuôi đầu tiên của TPHCM được nhận chứng chỉ VietGap (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) do các bộ, ngành chức năng trao.

Nguyên liệu - bài toán sống còn

Trên thực tế, để đảm bảo hàng hóa, hướng đến ổn định giá cho cả năm, hầu hết các DN đều phải chú trọng đến việc dự trữ nguồn nguyên liệu, xem đây là bài toán sống còn của DN. Ông Trần Bá Dũng, Phó Giám đốc Công ty may túi xách Hami, cho biết, việc tham gia bình ổn, DN chỉ được vay một nguồn vốn rất ít, Hami chỉ xem đây là vốn mồi. Phần còn lại DN phải chủ động tìm các nguồn vốn khác để chuẩn bị dự trữ đủ nguyên vật liệu sản xuất cho cả một năm sau.

Chẳng hạn, để chuẩn bị cho mùa khai giảng năm học 2013 - 2014, ngay từ thời điểm này, Hami đã chuẩn bị được khoảng 70% nguyên vật liệu dùng cho sản xuất cặp xách. Chính nhờ sự chuẩn bị chu đáo nguồn nguyên liệu đầu vào nên công ty rất tự tin trong việc thực hiện chủ trương bình ổn giá của TP. “Tôi cho rằng, kinh tế càng khó khăn, DN càng phải chủ động về mọi mặt. Chỉ như vậy mới giúp DN vượt khó khăn, khủng hoảng, duy trì tốc độ tăng trưởng” - ông Trần Bá Dũng nói.

Bà Tôn Thanh Thùy cũng cho rằng, năm 2012 là năm các DN trong ngành chăn nuôi bước vào cuộc sàng lọc rất khắc nghiệt, trong đó, phần thua chính là các DN nhỏ và vừa. Trong chăn nuôi, nếu DN không chủ động được con giống và thức ăn thì sẽ không địch nổi với các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Do vậy, mục tiêu năm 2013 của Phạm Tôn là phải đẩy mạnh việc đầu tư cho con giống để cung ứng cho các trại nuôi gà thịt, gà đẻ trứng.

Để làm được việc này, Phạm Tôn cũng tăng cường nhập con giống từ các nước như Mỹ, Australia, Thái Lan để nhân giống nhằm khép kín quy trình chăn nuôi, tiến đến cung ứng con giống cho thị trường trong nước.

Tương tự, vào tháng 2 sắp tới, Ba Huân cũng sẽ nhập khẩu từ Mỹ đợt giống đầu tiên của năm 2013 để tăng tổng đàn, giao con giống dự bị cho các vệ tinh. Dự kiến trong quý 2-2013, Ba Huân sẽ chủ động được khoảng 50% nguồn cung hàng hóa, thay vì 30% như hiện nay. Tại các DN khác như Nutifood, San Hà, Saigon Co.op,… cũng đang nỗ lực chuẩn bị nguồn nguyên liệu đầu vào, phục vụ tốt hơn cho sản xuất, kinh doanh.

Nhìn nhận về các DN trong chương trình bình ổn, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng cho rằng, chính việc đầu tư bài bản, đúng hướng đã tạo điều kiện cho DN đưa ra những sản phẩm chất lượng. Hàng hóa của DN bình ổn đã thực sự dẫn dắt giá cả thị trường. Biểu hiện rõ nhất trong đợt sốt giá trứng gia cầm vừa qua, giá bán cùng sản phẩm trên thị trường cao hơn từ 500 - 700 đồng/quả, trong khi giá hàng bình ổn vẫn ổn định.

Tương tự, với mặt hàng sữa, sau 2 năm TP thực hiện bình ổn giá sữa, đã góp phần kéo giảm tốc độ tăng giá rất vô lý của nhiều nhãn hàng sữa ngoại. Trong khó khăn, các DN đã thể hiện rõ bản lĩnh, trách nhiệm xã hội và đạo đức kinh doanh của mình đối với người tiêu dùng.

Hải Hà

Tin cùng chuyên mục