Doanh nghiệp cẩn trọng với Ethylene Oxide

Vụ KH-CN Bộ Công thương vừa có thông tin chi tiết về kết quả kiểm soát dư lượng chất Ethylene Oxide trong quá trình sản xuất thực phẩm tại Việt Nam sau khi xảy ra sự việc mì Hảo Hảo và Thiên Hương bị các cơ quan quản lý ở châu Âu thu hồi vì có chứa chất cấm này.

Theo Vụ KH-CN, những loại sản phẩm này có nhiều cấu phần như mì khô, gói gia vị, gói rau, gói dầu ớt… và có nhiều nhánh trong chuỗi cung ứng dành riêng cho các cấu phần khác nhau trước khi được đóng gói trong sản phẩm cuối cùng. 

Việt Nam hiện chưa ban hành quy định cho phép hay cấm sử dụng chất Ethylene Oxide trong sản xuất nông nghiệp hay giới hạn dư lượng Ethylene Oxide trong thực phẩm. Trong khi đó, việc quy định các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với từng loại thực phẩm mà mỗi quốc gia, khu vực đơn phương đưa ra là khác nhau và phụ thuộc rất lớn vào cán cân thương mại giữa các quốc gia, khu vực hoặc chính sách xuất nhập khẩu của mỗi nước, điều kiện kỹ thuật, phương thức quản lý, thói quen tiêu dùng…

Vì vậy trong trường hợp này, mức giới hạn dư lượng Ethylene Oxide cho phép đối với cùng một mặt hàng thực phẩm có thể đáp ứng quy định của quốc gia, khu vực này nhưng lại vượt ngưỡng cho phép của quốc gia, khu vực khác. Vì vậy, Vụ KH-CN cho biết đã đề nghị các doanh nghiệp nghiên cứu, thường xuyên cập nhật thông tin để kiểm soát tiêu chuẩn của sản phẩm do mình sản xuất trước khi xuất khẩu. Thường xuyên rà soát, đánh giá quy trình sản xuất, máy móc thiết bị, vệ sinh nhà xưởng về nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm. Kiểm tra định kỳ các sản phẩm và nguyên liệu, nhất là các cấu phần thuê (mua) gia công, sản xuất để đánh giá nguy cơ, kiểm soát chất lượng, giảm thiểu mức độ rủi ro. 

Tin cùng chuyên mục