
Các tỉnh ĐBSCL đang vào giai đoạn cuối vụ sản xuất mía đường 2006-2007. Ở Hậu Giang, Cà Mau, Kiên Giang, Long An…, mía thu hoạch đã gần xong. Hiện tại, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng), Trà Cú (Trà Vinh) còn trên 7.000ha mía quá lứa đang thu hoạch nhưng tiến độ chậm, do giá thấp, thiếu nhân công, thiếu ghe vận chuyển.
Nông dân... thua trắng!
Trở lại vùng mía “muộn” Cù Lao Dung (Sóc Trăng) ngay thời điểm thu hoạch rộ. Lúc ghé Phòng Kinh tế huyện, Anh Phạm Hồng Văn, Trưởng phòng thở dài: “Năm nay thua rồi, giá mía tệ quá. Đến giờ này, chỉ mới thu hoạch được 3.200ha, còn gần 4.800ha đã quá lứa đang “đứng đồng” chờ thương lái!”.

Dân trồng mía bất lực nhìn mía rớt giá khó tiêu thụ.
Dọc theo con đường chính của huyện từ xã An Thạnh Nhất xuống An Thạnh Ba, mía đầy đồng, tràn ra lộ… Bà Trần Thị Cúc, ấp Bình Du A, xã An Thạnh Nhì rầu rĩ: “7 công mía đã quá ngày thu hoạch hơn 1 tháng nhưng kêu lái chẳng ai mua, mặc dù bán giá rẻ mạt”. Nếu như đầu vụ, thương lái mua mía 4 - 5 triệu đồng/công, nay sụt xuống còn 2,5 - 3 triệu đồng/công. Nhiều hộ trồng mía cho biết, do phân thuốc, nhân công, giống… đều tăng nên chi phí 1 công mía khoảng 3 triệu đồng. Tuy nhiên, thương lái chỉ mua 2,5 - 2,6 triệu đồng/công nhưng bán rất khó khăn (!?).
Giá mía giảm, nhưng nhân công đốn mía lại vọt lên 700.000 - 800.000 đồng/công; đường xa trên 1 triệu đồng/công nhưng thiếu người đốn. Anh Bùi Văn Thẹo, lái mía xã An Thạnh Ba thừa nhận: “Hiện tại bà con kêu bán mía rất nhiều, bán giá thấp, thậm chí bán thiếu… nhưng không ai dám mua do các nhà máy “ăn hàng” chậm. Bình quân, bán được 1 ghe mía cho nhà máy phải chờ 6 - 8 ngày. Chờ lâu, khiến lượng đường giảm 2 - 3 chữ, nhà máy căn theo chữ đường mà hạ giá, thương lái cũng bị lỗ. Do đó, ai cũng ngại mua?”.
Nhà máy cũng khó khăn
Ông Nguyễn Thái Hòa, Phó Giám đốc Nhà máy đường Trà Vinh cho biết: “Đến nay, nhà máy đã chạy trên 270.000 tấn mía, vượt kế hoạch 40.000 tấn. Giá đường bán ra thị trường lúc này khoảng 6.400 đồng/kg, tính ra sản xuất năm nay chỉ hòa vốn, không lời. Dù vậy, nhà máy vẫn cố gắng chạy thêm đến tháng 6 mới nghỉ để giải quyết lượng mía tồn đọng trong dân”. Tại Hậu Giang, Nhà máy đường Phụng Hiệp đã chạy được 30.000/35.000 tấn đường; Nhà máy Vị Thanh chạy 25.000/38.000 tấn đường. Từ nay đến cuối vụ sẽ chạy đạt kế hoạch. Ông Nguyễn Thành Long, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ phân tích: “Cùng thời điểm này năm ngoái giá đường bán ra từ 9.000 - 10.000đ/kg, trong khi hiện nay chỉ 6.400 - 6.800đ/kg (tùy loại); bình quân thấp hơn khoảng 3.000đ/kg. Với giá này, hầu như các nhà máy lời rất ít”.
Theo các nhà chuyên môn, giá đường thấp là do tác động của sản lượng đường trên thế giới năm nay dư thừa khoảng 3 triệu tấn. Đối với trong nước, nhiều tỉnh mở rộng diện tích trồng mía nên sản lượng đường cũng tăng cao, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ (khoảng 1,2 - 1,4 triệu tấn đường); không phải nhập đường như những năm trước.
Ngoài 2 yếu tố trên, ông Trịnh Minh Châu, Giám đốc Công ty Mía đường Sóc Trăng cho rằng: “Do cơ chế sản xuất trong nước là nhà máy đường tự làm và tự tiêu thụ. Nhưng cái khó là sản xuất đường chỉ vài tháng nhưng tiêu thụ thì quanh năm. Nhiều nhà máy thiếu vốn không cầm cự được dài hạn nên buộc lòng bán đường ào ạt, có khi hạ giá… Đây cũng là nguyên nhân làm cho giá đường giảm”. Ngoài ra, các nhà máy lo ngại đường Thái Lan nhập lậu tràn vào nên không thể nâng giá…
Tháo gỡ những khó khăn trên, nhiều ý kiến đưa ra: phải thống nhất lại lịch thời vụ toàn vùng, tính toán phân bổ vùng nguyên liệu “rải vụ” hợp lý để san sẻ cho nhau tránh dư thừa. Theo đó, nhà máy đẩy mạnh hợp đồng bao tiêu, người dân hạn chế trồng mía tự phát ngoài quy hoạch. Giữa nhà máy và nông dân thống nhất thời điểm xuống giống, thu hoạch, giá mua… làm được như vậy sẽ tránh được tình trạng “dồn mía” quá tải ở nhà máy (!?). Ông Nguyễn Thành Long, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ khẳng định: Để ngành mía đường phát triển bền vững phải hài hòa lợi ích giữa nhà máy và nông dân. Theo đó, nông dân đẩy mạnh giống mới, kỹ thuật canh tác… nhằm giảm giá thành. Đối với nhà máy tiếp tục nâng công suất hoạt động, lấy sản lượng bù giá, bởi sản xuất càng nhiều thì chi phí càng giảm. Điều này mới tăng sức cạnh tranh trong thời buổi hội nhập.
HUỲNH PHƯỚC LỢI