Doanh nghiệp hoạt động từ 1 năm trở lên được phát hành trái phiếu

Trong tháng 2-2019, nhiều quy định mới về xuất nhập khẩu, gọi vốn trái phiếu, vận hành quỹ hỗ trợ phát triển du lịch… sẽ có hiệu lực thi hành.
Doanh nghiệp hoạt động từ 1 năm trở lên được phát hành trái phiếu

Doanh nghiệp hoạt động từ 1 năm trở lên được phát hành trái phiếu

Nghị định 163/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp nêu rõ, từ 1-2-2019, doanh nghiệp có thời gian hoạt động từ 1 năm trở lên kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sẽ được phát hành trái phiếu. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và đảm bảo khả năng trả nợ.

Mục đích phát hành phải được doanh nghiệp nêu cụ thể tại phương án phát hành trái phiếu và công bố thông tin cho nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu theo quy định tại nghị định này.

Đối với phát hành trái phiếu xanh, ngoài việc tuân thủ quy định nêu trên, nguồn vốn từ phát hành trái phiếu được hạch toán, quản lý theo dõi riêng và giải ngân cho các dự án bảo vệ môi trường theo phương án phát hành đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch có vốn điều lệ 300 tỷ đồng

Theo Quyết định số 49/2018/QÐ-TTg có hiệu lực từ 1-2-2019 về việc thành lập, phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch do Thủ tướng Chính phủ ban hành, vốn điều lệ của Quỹ là 300 tỷ đồng, được ngân sách trung ương cấp trong 3 năm đầu sau khi thành lập.

Quỹ hoạt động theo mô hình Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là đại diện chủ sở hữu.

Quỹ này có chức năng quản lý, sử dụng các nguồn ngân sách nhà nước cấp, các nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài và các nguồn thu hợp pháp khác.

Nhập khẩu hàng hóa phục vụ hoạt động in, đúc tiền

Thông tư 38/2018/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về nhập khẩu hàng hóa phục vụ hoạt động in, đúc tiền nêu rõ, từ 8-2-2019, danh mục hàng hóa chỉ định cơ sở in, đúc tiền nhập khẩu phục vụ hoạt động in, đúc tiền của Ngân hàng Nhà nước bao gồm: phôi kim loại sử dụng để đúc, dập tiền kim loại, giấy in tiền, mực in tiền, máy ép foil chống giả; foil chống giả để sử dụng cho tiền, ngân phiếu thanh toán và các loại ấn chỉ; giấy tờ có giá khác thuộc ngành ngân hàng phát hành và quản lý; máy in tiền; máy đúc, dập tiền kim loại. Khi làm thủ tục nhập khẩu, cơ sở in, đúc tiền gửi cơ quan hải quan 1 bản chính văn bản xác nhận của Ngân hàng Nhà nước kèm hồ sơ nhập khẩu theo quy định của cơ quan hải quan.

Doanh nghiệp hoạt động từ 1 năm trở lên được phát hành trái phiếu ảnh 1 Ảnh minh họa: REUTERS
Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong lĩnh vực vàng

Theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu kèm theo mã HS thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước trong lĩnh vực vàng vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành kèm theo Thông tư số 47 ngày 28-12-2018 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12-2-2019, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước là vàng nguyên liệu, được mô tả là “vàng dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng và các loại vàng khác, ngoại trừ vàng dưới dạng bột, dung dịch, vẩy hàn, muối vàng và các loại vàng trang sức dưới dạng bán thành phẩm”, có mã số HS là 7108.12.10 hoặc 7108.12.90.

Hạn ngạch thuế quan nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu năm 2019

Thông tư 55 do Bộ Công Thương ban hành ngày 26-12-2018 quy định: lượng thuốc lá nguyên liệu (có mã HS là 2401) nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan năm 2019 là 56.284 tấn, tăng 2.68 tấn so với năm 2018. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19-2-2019 đến hết ngày 31-12-2019.

Bộ Công Thương có trách nhiệm xác định thời điểm phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu cho các thương nhân có nhu cầu.

Ngoài ra, căn cứ lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu năm 2019 và đăng ký của thương nhân để Bộ Công Thương xem xét cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu theo hạn ngạch thuế quan cho thương nhân.

Tin cùng chuyên mục